Chính quyền điện tử gắn liền với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là cách mạng về công nghệ thông tin, buộc chính quyền dù chế độ nào, quốc gia nào và cấp độ nào cũng phải thay đổi phương thức hoạt động mới theo kịp sự phát triển của xã hội. Và người dân cũng vậy, buộc phải thích nghi với phương thức hoạt động mới của chính quyền.
Thách thức đối với xây dựng chính quyền điện tử
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã và đang triển khai xây dựng chính phủ điện tử ở cấp trung ương và chính quyền điện tử ở các cấp địa phương. Việt Nam cũng trong xu thế đó. Bình Phước đã có Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 12-9-2018 về xây dựng chính quyền điện tử, Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 29-10-2018 của UBND tỉnh về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Phước năm 2018, Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 2-11-2018 về việc phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước,... Như thế, có thể thấy, cũng như ở các địa phương khác trong cả nước, chính quyền điện tử đã, đang và sẽ hình thành ở Bình Phước trong nay mai.
Thực tiễn từ Quảng Ninh - tỉnh tiên phong trong cả nước về xây dựng chính quyền điện tử cho thấy, mô hình chính quyền điện tử xoay quanh các yếu tố cốt lõi gồm công nghệ - quy trình nghiệp vụ - con người - chiến lược - tổ chức - chính sách. Đây là 6 yếu tố sống còn quyết định đến sự thành công của chính quyền điện tử. Và trong 6 yếu tố nêu trên, có tới 4 yếu tố về con người.
Công nghệ tất nhiên là yếu tố không thể thiếu, nhưng nếu có công nghệ tốt nhưng một trong 5 yếu tố còn lại không tốt thì không thể thực hiện thành công. Chính sách thực hiện được hay không phụ thuộc nhiều vào cơ chế và tài chính. Nhưng quy trình nghiệp vụ, chiến lược, tổ chức không phụ thuộc vào tài chính mà phụ thuộc vào chất xám, kỹ thuật xây dựng của người thiết kế quy trình ấy, chiến lược ấy, năng lực tổ chức của địa phương ấy. Vì vậy, cũng có thể thấy yếu tố con người vừa là phương tiện cũng vừa là mục tiêu quan trọng nhất quyết định năng lực của chính quyền điện tử.
Để xây dựng chính quyền điện tử bắt buộc phải có đội ngũ nhân sự không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có kiến thức về công nghệ thông tin. Song song đó phải có đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin giỏi để đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra khi khoa học - công nghệ đổi mới từng ngày. Trong khi đó, thực tế ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trình độ công nghệ thông tin của công chức, viên chức và lãnh đạo các cấp ở mức rất thấp. Còn lao động giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin thường chọn những nơi có điều kiện hạ tầng cũng như môi trường làm việc tốt, rất ít người về nơi còn khó khăn để lập nghiệp, làm việc.
Ngoài ra còn có một rào cản vô hình khó tránh khỏi. Đó là những cán bộ, công chức, viên chức đã được tuyển dụng nhiều năm nhưng trình độ khoa học, công nghệ thông tin yếu hoặc trường hợp muốn “tranh tối tranh sáng” để trục lợi sẽ không muốn hoặc trì hoãn việc xây dựng chính quyền điện tử vì không theo kịp sự phát triển hoặc sự công khai, minh bạch sẽ xóa bỏ cơ hội trục lợi của người có phẩm chất thấp.
Xây dựng chính quyền điện tử hay công dân điện tử khó?
Ở góc độ còn lại, để chính quyền điện tử đi vào thực tiễn, cũng cần phải có công dân điện tử. Đây là vấn đề không đơn giản và không thể giải quyết nhanh chóng như đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công chức, viên chức hay như lắp đặt một chiếc máy tính, cài đặt một phần mềm chuyên dụng. Không phải ngẫu nhiên nhiều người vẫn lựa chọn đến trụ sở cơ quan hành chính nhà nước để giao dịch, làm các thủ tục thay vì sử dụng tiện ích công qua internet.
Để sử dụng được dịch vụ công trực tuyến, người dân cũng phải có thói quen, kiến thức nhất định về công nghệ thông tin hay đơn thuần là sử dụng thiết bị thông minh, hiện đại. Mức độ dịch vụ công càng cao càng đòi hỏi trình độ người dân cao hơn. Hiện phần lớn người dân vẫn quen cách thức làm việc cũ và cũng chưa biết rõ thủ tục hành chính nào thuộc cấp nào giải quyết. Vì thế việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn phụ thuộc nhiều vào việc hỏi trực tiếp cán bộ hoặc giữ thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ của mình. Hiện nay, cả nước chưa có địa phương, đơn vị nào có một tổng đài để hướng dẫn người dân hay đơn giản là trả lời người dân thủ tục nào làm ở cấp nào và nếu làm trực tuyến thì vào đâu, làm như thế nào...
Hay đơn giản như để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, phải đăng ký tài khoản cá nhân. Chỉ riêng việc này với hầu hết người dân hiện nay đã thấy khó như mò kim đáy bể, không biết đâu mà lần. Điều này khiến ngay từ đầu, nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi, tầm thế hệ từ giữa 8x trở về trước đã bỏ cuộc, chọn cách làm công dân truyền thống cho lành thay vì làm “công dân điện tử”, muốn làm việc với “người thật, việc thật” chứ không phải làm việc với... cái máy tính.
Từ đó cho thấy, vấn đề làm thế nào để có “công dân điện tử” khó khăn và giữ vai trò không kém so với xây dựng “chính quyền điện tử” hiện nay.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065