BP - Ông Trương Đường sinh năm 1958, ngụ ấp 2, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) là người đúng với câu ngạn ngữ: “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Mỗi sáng sớm hay buổi trưa, ông chở từng bao đất hoặc đá vá ổ gà trên các đoạn đường liên ấp trong xã. Bao năm âm thầm vá đường, năm nay, ông đón cái tết trong niềm vui mừng, hạnh phúc vì đã hoàn thành tâm nguyện, hoàn thành con đường bê tông 4,8km liên ấp ở Nghĩa Trung. Lão nông này chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục tự nguyện thực hiện công việc làm đường.
Nặng tình với đường
Suốt 30 năm qua, ông Trương Đường xem việc vá đường ở xã Nghĩa Trung và Nghĩa Bình (trước đây đều thuộc Nghĩa Trung, sau tách thành 2 xã) như việc đương nhiên. Đường hư thì “vá” bằng đất, đá; đường đất đỏ trơn trượt vào mùa mưa thì ông rải thêm sỏi. Cặm cụi vá đường từ thời trung niên, bây giờ dù tóc đã ngả màu sương nhưng ông vẫn âm thầm tiếp tục làm cái việc không công này một cách chu đáo. Ông Đường kể: “Trong chiến tranh, tôi từng làm du kích, sau giải phóng làm công an xã. Gia đình nội, ngoại đều đông người, nghèo khó, vợ chồng tôi sinh 3 người con, cuộc sống cũng khó khăn. Tôi rất mê hoạt động xã hội, nhưng chưa đóng góp được gì cho quê hương đã phải nghỉ việc ở xã để lo kinh tế gia đình. Thời kỳ khó khăn gian khổ, chúng tôi phát cỏ tranh, trồng lúa, mì lấy lương thực ăn rồi sau đó trồng điều. Nhìn những đoạn đường liên thôn bị sạt lở, hư hỏng, mùa mưa nước chảy thành rãnh phá đường khiến người lưu thông gặp tai nạn nên tôi rất lo lắng. Nghĩ mình đàn ông mà không làm việc xã hội giúp cộng đồng thì làm những việc nhỏ, mỗi ngày vá vài ổ gà, nơi nào hố sâu thì làm vài ngày”. Kể từ đó ông thường dậy từ 4 giờ sáng, rồi đạp xe, sau này là xe máy chở theo cuốc, xẻng và dụng cụ lao động đi đắp, vá đường. Mỗi khi nghe tin ở đâu có đoạn đường hư, gây trở ngại việc đi lại của người dân, nhất là những nơi gần trường học, đông trẻ em ông lại đến tận nơi xem xét, tính toán rồi lấy đất để đắp đường.
Con đường nghĩa tình
Những ngày cuối năm 2017, nhân dân ấp 2, xã Nghĩa Trung vui mừng khi biết ông Đường viết đơn xin làm đường và đã được UBND xã, huyện chấp thuận. Từ sự hỗ trợ kỹ thuật của UBND xã theo thiết kế đường bê tông nông thôn mới, ông Đường đầu tư toàn bộ kinh phí và vật liệu, máy móc để bê tông mở rộng hai bên đường và sửa chữa 4,8km đường nhựa cũ. Nửa tháng làm đường đã thật sự trở thành ngày hội đối với người dân nơi đây. UBND xã huy động các hội, đoàn thanh niên và người dân sống hai bên đường tự nguyện cùng nhau góp công rải đá 4x6 và đá dăm trên suốt đoạn đường. Sau khi làm xong thì vét mương, các hộ dân còn đặt cống thoát nước, bảo vệ nền đường.
Vợ chồng ông Trương Đường cùng các cháu nội, ngoại
Bà Võ Thị Nga, ấp 2, xã Nghĩa Trung kể: “Trước đây, khi nhiều nơi còn phải tự phát quang để có đường đi, xã Nghĩa Trung đã được Nhà nước đầu tư làm 10km đường nhựa từ ngã ba 27 đến ngã ba Lâm trường Nghĩa Trung. Qua thời gian sử dụng, xe cơ giới chở vật liệu xây dựng cũng như nông sản đi ngày càng nhiều nên đường xuống cấp. Bề rộng đường nhựa chỉ 3,5m, hai bên đường là rãnh sâu do nước mưa chảy tạo thành. Mỗi khi có xe tải chạy qua, học sinh đi bộ hoặc đạp xe đến trường bị lọt xuống lề, rất nguy hiểm. Ông Đường đầu tư mở rộng đoạn đường, chúng tôi rất phấn khởi”. Bà Mai Thị Nở, ấp 2, xã Nghĩa Trung xúc động cho biết: “Ông Đường sống rất nghĩa tình, thường xuyên giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Gia đình tôi từ Quảng Ngãi vào xã Nghĩa Trung lập nghiệp, bán hàng rong nuôi con gái học đại học, phải thuê nhà ở, không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Gia đình tôi được người dân cho mượn đất, còn ông Đường hỗ trợ đá, cát, vật liệu làm căn nhà tạm để ổn định cuộc sống”.
Anh Trương Minh Tấn, cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường xã Nghĩa Trung cho biết: Đoạn đường 10km được làm từ năm 2003, đến nay đã xuống cấp chưa đạt chuẩn đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. 4 năm trước, anh Võ Văn Thanh, Bí thư Chi đoàn ấp 2 cùng các đoàn viên trong thôn đã dùng đất, đá vá ổ gà tạm bợ cho người dân dễ lưu thông. Trong 2 năm 2016 và 2017, UBND xã kiến nghị huyện cứng hóa tuyến đường theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân đóng góp 50% kinh phí. Mỗi năm, mỗi hộ góp 250 ngàn đồng để làm thêm hai bên lề đường và sửa chữa bề mặt đường cũ. Năm 2016, nhân dân góp 98 triệu đồng, năm 2017 góp được 97 triệu đồng. UBND huyện hỗ trợ thêm 50% để làm 1,8km đường, vét mương. Đoạn đường còn lại phải làm là 4,8km, theo tính toán với mức đóng góp như hiện nay phải 5 năm nữa mới làm xong toàn tuyến đường. Năm 2017, ông Trương Đường làm đơn gửi lên xã và huyện với nguyện vọng tự góp toàn bộ kinh phí còn lại hoàn thành con đường. Trước đây, đoạn đường 1,8km đã làm, mỗi bên bê tông mở rộng 0,5m, dày 20cm, trong đó nền hạ đá 4x6, đầm móng, lớp bê tông dày 14cm. Không những làm 4,8km đường đúng kỹ thuật, ông Đường còn mở rộng mỗi bên từ 0,5m lên 1m, nâng bề mặt đường từ 3,5m lên 5,5m.
Hơn 12 giờ trưa, ông Đường mới đi làm rẫy về. Tiếp chúng tôi, ông nói: “Làm đường là tâm nguyện của tôi. Làm việc thiện thì không nên kể công, vì thế tôi không nói cho bất cứ ai biết về tổng kinh phí làm đường. Cũng may mắn, đầu năm 2017, tôi thanh lý 5 ha cao su được giá cao, hoàn thành tâm nguyện của vợ tôi là xây nhà; số tiền còn lại và toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình, tôi dùng để làm đường. Tôi còn ấp ủ hoàn thành nhiều việc dang dở nhưng chưa đủ kinh phí, nếu còn sức khỏe thì tôi sẽ vẫn thực hiện tiếp ước mơ làm đường”.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065