BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ
Ngay trước chuyến đi, đồng chí Tổng biên tập khi giao nhiệm vụ đã nhấn mạnh về những công việc, địa chỉ mà đoàn công tác phải tìm đến là các địa danh lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và những đổi thay của các vùng đất, miền quê mà con đường đi qua. Đặc biệt, phải chuyển tải cho được các giá trị từ những kỳ tích hào hùng mà quân và dân ta đã làm nên trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) chấn động địa cầu, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc và vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời. Để thống nhất đất nước, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã xác định con đường giải phóng miền Nam chỉ duy nhất bằng con đường bạo lực cách mạng. Do vậy, để chi viện cho chiến trường miền Nam, đầu năm 1959, Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị đặc biệt bàn về thống nhất đất nước. Cuộc họp dẫn tới quyết định cần phải xây dựng một tuyến đường bí mật để vận chuyển người, vũ khí, lương thực... từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tháng 5-1959, Bộ Chính trị thành lập Đoàn 559 với 440 người, do đại tá Võ Bẩm làm đoàn trưởng vào Nam vừa hành quân vừa dò đường theo dãy núi Trường Sơn để xây dựng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Đoàn xuất phát từ vùng núi Tân Kỳ, Nghệ An xuyên rừng qua Hà Tĩnh đến phía nam đất Quảng Bình, phía bắc Quảng Trị rồi rẽ ngược sang Lào, vào đất Campuchia. Quá trình dò đường, Đoàn 559 đã thực hiện đúng phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” trong suốt quá trình hành quân, lập các chốt giao liên, trạm dừng nghỉ... Đoàn phải men theo các sông sâu, suối dữ, núi cao để tránh sự phát hiện của giặc, đồng thời phát triển lực lượng. Và từ cung đường chính này, đường Trường Sơn có nhiều nhánh rẽ phục vụ các chiến trường trong nước và cả ba nước Đông Dương. Đến năm 1961, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 khu căn cứ hậu cần lớn trên đất bạn Lào và ở vùng rừng núi Tây Nguyên. Như vậy, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua miền Trung Việt Nam, đến Nam Lào và nước bạn Campuchia.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn đã chịu đựng trên 8 triệu tấn bom của Mỹ rải xuống, trung bình mỗi mét đường Trường Sơn chịu 5 quả bom. Đoàn 559 đã chiến đấu và bắn rơi 2.455 máy bay, diệt và bắt sống 17.740 quân đối phương. Tuy vậy, ở Trường Sơn đã có hơn 20 ngàn cán bộ và chiến sĩ hy sinh, trên 20 ngàn người bị thương, gần 5.000 chiếc xe vận tải, xe máy, súng pháo và tăng bị bắn cháy và hư hỏng, gần 90 ngàn tấn hàng hóa đã bị cháy. Ngoài ra, để chặt đứt tuyến đường vận tải này, kẻ thù đã trút xuống đường Trường Sơn hàng triệu lít chất độc dioxin để lại hậu quả nặng nề cho đến hôm nay”.
Trong suốt cuộc chiến tranh, hệ thống đường Hồ Chí Minh có 16.700km đường cho xe cơ giới, xuyên cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh của Campuchia. Trên hệ thống này có 6 tuyến dọc dài 6.800km và 21 tuyến ngang dài 5.000km, 5.000km đường vòng tránh, 600km đường sông cùng hàng vạn kilômét đường ống dẫn dầu, đường dây thông tin... và hơn 1,5 triệu lượt người vào ra chiến đấu ở các chiến trường. Và trên con đường huyền thoại này, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam... góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã viết vào sổ vàng của bộ đội Trường Sơn: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Còn Tổng bí thư Lê Duẩn đúc kết: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, là con đường đoàn kết các dân tộc của 3 nước Đông Dương”.
Tại Bình Phước, có rất nhiều điểm được cho là điểm cuối của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Trong đó có bia ghi điểm cuối ở thị trấn Chơn Thành đoạn tiếp giáp với QL13. Và ở rừng quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cũng là điểm cuối của đường Trường Sơn hay ngã ba Lộc Tấn (Lộc Ninh) cũng là điểm cuối... Bởi do tuyến đường có nhiều nhánh rẽ.
CON ĐƯỜNG CỦA THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA
Trong quá trình đi thực tế trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ Bình Phước đến Quảng Bình, chúng tôi khám phá được rất nhiều thông tin hữu ích liên quan đến tuyến đường trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Như đã nói ở phần trên, đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ kéo dài từ miền Trung vào đến phía nam đất Quảng Bình, phía bắc Quảng Trị rồi rẽ ngược sang Lào, vào đất Campuchia và tạo hệ thống nhánh rẽ phục vụ các chiến trường trong nước. Ngay tại ngã ba Khe Gát (Bố Trạch, Quảng Bình) đường mòn Hồ Chí Minh chia làm 2 tuyến nhằm tránh sự đánh phá của Mỹ. Một tuyến vòng lên biên giới sang Lào, một tuyến chạy thẳng vào Quảng Trị tiếp nối với đường 9 gần cầu ĐakRông (Đakrông, Quảng Trị)... Còn tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay đi qua các tỉnh Tây Nguyên đến Bình Phước là tuyến QL14. Một số tư liệu của ngành giao thông cho hay, tuyến QL14 được xây dựng từ thời Pháp thuộc kéo dài từ cầu treo Đakrông (ĐakRông, Quảng Trị) đến Bình Phước. Tuyến đường này cũng thấm máu của hàng ngàn tù nhân chính trị, tù khổ sai khi họ đứng lên đấu tranh và bị thực dân Pháp bắt đi làm đường. Dọc tuyến QL14 hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích như nhà tù Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, ngục Kon Tum, nhà tù Pleicu... là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Và con đường này đã chứng kiến bao đổi thay trên từng vùng quê kể từ ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng...
Sau khi Quốc hội khóa 11 ra Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH 11, ngày 3-12-2004 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh nối hai đầu đất nước, Chính phủ đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư và khai thác đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Theo hồ sơ thiết kế, đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố và có tổng chiều dài 3.183km, trong đó, tuyến chính dài khoảng 2.499km, tuyến phía tây dài khoảng 684km. Cụ thể, đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau). Tuyến đường Hồ Chí Minh mới này trùng với đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa ở khu vực các tỉnh miền Trung và một phần trùng với QL14.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng đường Trường Sơn vẫn là khúc tráng ca bất hủ về tinh thần yêu nước, ý chí của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Đường Hồ Chí Minh hôm nay là biểu tượng của khát vọng vươn cao trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Là ý chí tực lực tự cường của cả dân tộc yêu chuộng hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng đời sống mới. Hôm nay, đi trên đường Trường Sơn chúng tôi bồi hồi nhớ lại một thời khói lửa chiến tranh, những năm tháng đẫm máu và nước mắt của cha ông đã tạo nên con đường huyền thoại ngày hôm nay. Từ Bình Phước đến bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình) dài hơn 1.300km men theo triền núi bìa rừng trên nền đất cũ đường mòn Hồ Chí Minh càng thấy yêu hơn quê hương đất nước mình, càng quý hơn những xương máu mà cha ông ta đã đổ xuống cho hòa bình dân tộc.
Tấn Phong - Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065