>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
>> Bài 2 - Qua vùng "nắng lửa"
>> Bài 3 -Trái tim của Đoàn 559
>> Bài 4 - Huyền thoại dòng sông Son
>> Bài 5 - Đến với Điện Biên Phủ thứ hai
>> Bài 6 - Nghĩa trang Trường Sơn chiều nghiêng nắng
BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
KHỞI SẮC VÙNG CHẢO LỬA
Sau thất bại tại thung lũng Khe Sanh năm 1968, Mỹ - ngụy liền xây dựng tại thung lũng A Lưới (Thừa Thiên - Huế) thành một cứ điểm mạnh để khống chế tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta, đặc biệt có sự hỗ trợ của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều nên kẻ xâm lược liên tiếp chuốc lấy những thất bại thảm hại. Hôm nay, A Lưới đang trên đường xây dựng thành đô thị động lực ở cửa ngõ phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt với đường Hồ Chí Minh đã tạo thế cho vùng “chảo lửa” năm xưa cất cánh...
HƯƠNG SẮC MIỀN BIÊN GIỚI
Rời Khe Sanh, chúng tôi vượt cầu treo Đakrông theo đường Hồ Chí Minh đến A Lưới, miền biên giới phía tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế, giáp với biên giới nước bạn Lào. Đoạn đường dài 92km mềm mại như lụa vắt qua dãy Trường Sơn ẩn hiện trong mây trời. Một bên là rừng xanh, núi thẳm, còn một bên là dòng sông Đakrông uốn lượn càng làm cho cảnh vật thêm huyền hoặc.
Một góc thị trấn A Lưới (ảnh lớn), Anh hùng Hồ Vai (phải, ảnh nhỏ)
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, A Lưới đã phát huy truyền thống cách mạng, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện 6 tháng đầu năm ước đạt gần 15%; các lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu ngân sách đạt 56 tỷ đồng... Nhiều mô hình làm ăn mới như tổ hợp công nghiệp, dịch vụ, vận tải, kinh doanh... được hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
CHUYỆN CỦA NGƯỜI MANG HỌ BÁC HỒ
Khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã nghe kể về những câu chuyện đánh giặc của anh hùng Hồ Vai. Tại UBND thị trấn, chúng tôi bất ngờ được ông Hồ Văn Tưn giới thiệu về vị anh hùng này, một huyền thoại sống bên đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ.
Trong ngôi nhà cấp 4 giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, ngồi đối diện chúng tôi là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Vai đang kể về cuộc đời mình. Ông Vai vốn mang họ Lê, sinh năm 1939, là người dân tộc Pa Cô ở núi rừng A Lưới. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ nên lang thang kiếm ăn hằng ngày. Cách mạng về làng, ông đi theo bộ đội, trực tiếp chiến đấu 22 trận, tiêu diệt 44 tên địch. Vì vậy, khi nghe tên ông, giặc phải khiếp sợ. Ông Vai đã 5 lần ra Bắc gặp Bác Hồ để báo công về thành tích đánh Mỹ của quân, dân A Lưới. “Tôi nhớ nhất là lần đầu tiên gặp Bác vào năm 1965. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ Chủ tịch nước phải là người cao sang, quý phái nhưng khi được gặp, thấy Bác quá bình dị tôi đã òa khóc. Bác ân cần hỏi thăm cuộc sống của đồng bào, của quân ta. Tôi xin đổi sang họ Hồ của Bác. Bác cười hiền từ và đặt tên cho tôi là Hồ Đức Vai” - ông Hồ Vai kể lại.
Ngày trở về, quân dân A Lưới tổ chức mít tinh lớn để ông Vai kể chuyện gặp Bác Hồ. Hình ảnh cụ già tóc bạc, râu trắng, ăn mặc giản dị, ân cần thăm hỏi động viên những người con miền Nam qua lời kể của ông Hồ Vai đã làm cho hàng ngàn người dự mít tinh bật khóc. “Lúc này, tôi nói, mình đi theo Đảng, theo Bác Hồ đánh lũ cướp nước, giải phóng quê hương, mình đã được mang họ của Người, đồng bào ai muốn như mình thì giơ tay lên, tức thì cả ngàn người dự mít tinh đồng ý, thế là từ đó người Pa Cô, Vân Kiều ở đất A Lưới đều mang họ của Bác Hồ” - ông Vai tự hào kể. Nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác bài hát “Người con gái Pa Cô” có đoạn: “Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ/ Dù gian khổ vượt núi băng rừng/ Dù mưa bom em không ngại chi/ Đi đánh Mỹ giữ núi rừng. Gùi trên vai súng đạn ra hỏa tuyến/ Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường...” có thể lấy nguồn cảm hứng từ đây.
Hiện ông Vai đang yên vui tuổi già bên gia đình, hai con của ông đều trưởng thành, con trai đang là Phó công an huyện A Lưới, con gái là giáo viên.
ĐỘNG LỰC TỪ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Bên ấm trà xanh, ông Vai kể về những tháng năm sau ngày chiến thắng, A Lưới ngổn ngang bom đạn, đất nghèo, vùng sâu lại càng xơ xác vì hậu quả của chiến tranh. Giao thông đi lại khó khăn, hàng hóa khan hiếm nên cuộc sống của người dân càng vất vả hơn. Lúc đó ông là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện A Lưới.
Kể từ ngày đường Hồ Chí Minh đi qua huyện được hoàn thành thì bộ mặt nông thôn A Lưới ngày một khởi sắc. Ông Vai cho hay: “Ngày thông đường, hàng hóa được thông thương, sản vật do người dân làm ra được tiêu thụ, con em lên thành phố học tập và trở về phục vụ quê hương. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm ăn...”. Được biết, HĐND huyện A Lưới tại kỳ họp đầu năm đã đề ra mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng cao theo hướng bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Mới đây, HĐND huyện đã có nghị quyết về việc hoàn thành quy hoạch chi tiết đô thị A Lưới mở rộng theo trục đường Hồ Chí Minh để xây dựng thành đô thị động lực phía tây.
Nhờ có đường Hồ Chí Minh đi qua nên A Lưới đã có 100% số xã có đường ôtô với hơn 185 tuyến đường dài 300km được rải nhựa hoặc bê tông hóa. Riêng đường Hồ Chí Minh đi qua huyện dài 106km đã khai thông tuyến vận tải Bắc - Nam. Và hai bên tuyến đường, nhiều khu dân cư, những bản làng của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều định cư rộn ràng ánh điện, tiếng cười đã xua tan đói nghèo, lạc hậu và báo hiệu một sức sống mới trên “chảo lửa” năm xưa ở biên giới miền Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang về.
Tấn Phong - Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065