>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
>> Bài 2 - Qua vùng "nắng lửa"
>> Bài 3 -Trái tim của Đoàn 559
>> Bài 4 - Huyền thoại dòng sông Son
>> Bài 5 - Đến với Điện Biên Phủ thứ hai
BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN CHIỀU NGHIÊNG NẮNG
Rời làng Vây trong buổi trưa nắng khô khốc, chúng tôi xuôi Đường 9 đến với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Bởi đi qua Trường Sơn mà không viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là chưa hiểu biết đến sự hy sinh vô bờ bến của quân và dân ta trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ. 3 giờ chiều, nghĩa trang tĩnh lặng, trầm mặc giữa núi rừng Quảng Trị. Ánh nắng chiều xuyên qua tán lá rừng cộng với sự mờ ảo bởi làn khói hương trầm do các đoàn khách thắp trên từng nấm mộ, càng làm cho phong cảnh u tịch, linh thiêng hơn…
HỒN THIÊNG SÔNG NÚI
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bộ đội Trường Sơn và lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đã hy sinh hơn 20 ngàn và trên 20 ngàn người bị thương. Sau thắng lợi của chiến dịch phản công xuân - hè 1972 (mùa hè đỏ lửa) đi đến ký kết Hiệp định Paris, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, trong đó có phần đất miền Tây Quảng Trị đến biên giới Việt - Lào. Lúc này, Đoàn 559 chọn khu vực Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị để xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn. Toàn bộ nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi sát thượng nguồn sông Bến Hải. Đây là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị và là một trong hai nghĩa trang quốc gia nằm tại tỉnh này. Các phần mộ bắt đầu được quy tập về đây từ cuối năm 1974. Hạng mục công trình của nghĩa trang được xây dựng từ cuối tháng 10-1975 và hoàn thành đầu tháng 4-1977. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sĩ, được chia thành 10 khu vực theo địa phương như Hà Nội, Bình - Trị - Thiên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng... và một khu dành cho các mộ liệt sĩ khuyết danh. Theo thiết kết, diện tích đất mộ 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, diện tích cây xanh 60.000m2, hồ nước 35.000m2 và đường đi, lối lại trong khuôn viên nghĩa trang khoảng 15.000m2.
Một đoàn cựu chiến binh ở Hà Tĩnh mặc niệm trước đài tưởng niệm
Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
THẮP NÉN NHANG THƠM
Chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong buổi chiều tà, gió rừng vẫn xao xác thổi trên khóm cây, bụi cỏ. Hàng đoàn khách viếng mộ kéo dài như vô tận. Đâu đó tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên vang vọng giữa sương khói trầm mặc, xen lẫn tiếng nấc nghẹn lòng của thân nhân liệt sĩ càng làm không khí của nghĩa trang thêm tôn nghiêm.
Thắp nén nhang thơm tại đài tưởng niệm, chúng tôi thả hồn trước một màu trắng mênh mông tưởng như vô tận của những tấm bia mộ giữa núi rừng Trường Sơn. Chợt nghĩ, nếu không có sự hy sinh của cả dân tộc, trong đó có gần 11 ngàn liệt sĩ nơi đây thì Tổ quốc mình bao giờ mới im tiếng súng, mới được thống nhất. Đến bao giờ mới có được cuộc sống thanh bình như hôm nay... Thế hệ cha anh ngày trước đã không tiếc máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Họ là những chàng trai đến từ các vùng miền trong cả nước, từ Cao Bằng, Lạng Sơn, đến Hà Tiên, Kiên Giang hay vùng đất Tây Nguyên thượng võ. Trên các tấm bia đá thể hiện danh sách các liệt sĩ đã hy sinh khi đang còn trẻ nhưng ý chí và nghị lực của họ còn cao hơn cả đỉnh Trường Sơn mây phủ.
Khách thập phương thắp hương tại mộ liệt sĩ
Tại đài tưởng niệm, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh từ thời chống Mỹ đã đến viếng nghĩa trang. Họ đi thành đội ngũ chỉnh tề, quân phục màu cỏ úa, ngực lấp lánh huân, huy chương, nghiêm trang hát Quốc ca trước khi dâng hương và đặt vòng hoa.
Trong sương khói trầm mặc của núi rừng Trường Sơn, màu xanh của cây rừng và hàng chục loại hoa nở, xen lẫn tiếng chim kêu, tiếng lá xào xác, tiếng bước chân của hậu thế thắp hương cho từng nấm mộ như góp phần xoa dịu nỗi đau sâu thẳm trong trái tim.
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Ở nghĩa trang có không ít trẻ em người Vân Kiều, Pa Cô đang vui chơi tại đây. Các em nhỏ đến chơi và tự nhặt rác mà du khách vô tình làm rơi, hay thắp lại những cây nhang cháy dở, cắm lại cành hoa bị gió thổi hoặc dập tắt lửa ở những nơi các đoàn viếng đốt để thắp nhang... một cách tự nguyện. Nếu du khách, đoàn viếng cần tìm khu mộ nào thì chúng nhiệt tình chỉ dẫn mà không hề đòi hỏi. Bà Lê Thị Dính (1947), thường trú tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay: “Gia đình tôi cũng nhờ những đứa trẻ chỉ dẫn mới tìm được mộ người thân đưa về quê an táng”.
Theo lời kể, thời trẻ bà Dính là thanh niên xung phong chở gạo ngược sông Kiến Giang lên phà Thả Cóc. Năm 1971, bà lập gia đình với ông Trương Văn Roọc, người cùng quê là bộ đội Trường Sơn. Năm 1972, bà sinh con gái đầu lòng (nay là viên chức ngành giáo dục huyện Lệ Thủy) cũng là lúc bà nhận được giấy báo tử của chồng. Sau ngày thống nhất đất nước, bà Dính đã đi hết các nghĩa trang từ Quảng Trị vào Nam để tìm mộ chồng nhưng không tìm được. Bởi giấy báo tử chỉ ghi vỏn vẹn “an táng tại nghĩa trang mặt trận”.
Các nhà ngoại cảm chỉ nơi này, nơi khác nhưng bà vẫn chưa tìm được mộ chồng. Các phần mộ thuộc khu vực Bình - Trị - Thiên không có tên của chồng bà. Thế rồi bà nhờ những đứa trẻ này tìm đến khu mộ khuyết danh và sau đó vào internet để tra cứu. Từ những thông tin về đơn vị, trận đánh... trong giấy báo tử trùng với hồ sơ lưu tại nghĩa trang, bà Dính đã tìm được hài cốt của chồng mang về quê mai táng. Ấy vậy, hằng năm, bà vẫn đến nghĩa trang này thắp nhang cho đồng đội của chồng và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
TRI ÂN NGƯỜI ĐÃ KHUẤT
Năm 1999, nghĩa trang Trường Sơn được nâng cấp, tôn tạo các hạng mục: cổng, hệ thống đường và tường bao quanh, mô hình sở chỉ huy, biểu tượng của các địa phương, các cụm tượng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, nhà khánh tiết, đài Tổ quốc ghi công...
Rời nghĩa trang trong buổi chiều hoàng hôn của núi rừng Trường Sơn, trong tôi suy nghĩ nhiều về một giai đoạn đau thương của đất nước. Nghĩa trang Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Hôm nay, dâng nén nhang thơm tại nghĩa trang từ trong sâu thẳm trái tim mình, chúng tôi - thế hệ trẻ của đất nước cảm thấy Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là một huyền thoại được viết bằng xương máu và nước mắt của một thế hệ Việt Nam anh hùng. Hãy đến với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thắp nén tâm nhang, để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh và tôn trọng giá trị của hòa bình, của độc lập dân tộc.
Tấn Phong - Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065