>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
>> Bài 2 - Qua vùng "nắng lửa"
>> Bài 3 -Trái tim của Đoàn 559
>> Bài 4 - Huyền thoại dòng sông Son
BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
ĐẾN VỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ THỨ HAI
Đi theo đường Trường Sơn, chúng tôi đến với đất thiêng Quảng Trị. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị “là chiếc túi” hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn rải xuống. Bởi vùng đất này có dòng sông Bến Hải chia cắt thành hai bờ Bắc - Nam thành tuyến đầu của hai miền đánh Mỹ. Ngoài các địa danh sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Mốc… thì còn một địa chỉ nằm ven đường mòn Hồ Chí Minh được giới quân sự thế giới đánh giá là Điện Biên Phủ thứ 2 của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lược… Đó là Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị) trong những năm đánh Mỹ.
GAI NHỌN BÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Thất bại nặng nề trong chặt đứt tiếp tế qua đường mòn Hồ Chí Minh, từ năm 1962, kẻ địch lập hàng rào điện tử McNamara và xây dựng Khe Sanh thành một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh với sự hỗ trợ từ hai chi khu quân sự Tà Cơn và Làng Vây, tạo ra “ba mắt thần” là Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn nhằm chặt đứt tiếp tế của ta qua đường mòn Hồ Chí Minh và khống chế toàn bộ khu vực Nam - Lào.
Vết tích chiến tranh còn lưu lại trên Khe Sanh
Cũng như trận Điện Biên Phủ năm nào, khi đã chuẩn bị đầy đủ, địch thách thức quân giải phóng tiến hành cuộc chiến tranh quy ước với chúng... Bởi với chiến tranh quy ước, người Mỹ luôn nắm lợi thế về trang bị kỹ thuật, khí tài chiến tranh... Do đó, giới diều hâu nước Mỹ kỳ vọng Khe Sanh sẽ là pháo đài bất khả chiến bại nên ra sức nghiên cứu trận Điện Biên Phủ năm 1954.
CHÂN TRẦN CHÍ THÉP
Về phía ta, Quân ủy Trung ương nhận định, Khe Sanh chính là chiếc gai nhọn trên tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn cần phải nhổ bỏ. Cuối năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định chiến trường chính là hướng Đường 9 - Khe Sanh, tạo thế thuận lợi cho toàn miền thực hiện tổng tiến công chiến lược tết Mậu Thân 1968.
Tham gia chiến dịch này, bộ đội ta có ba sư đoàn bộ binh và một vài đơn vị bộ đội địa phương. Đặc biệt lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến dịch này có 1 tiểu đoàn tăng - thiết giáp (16 xe tăng hạng nhẹ PT-76) tham chiến và 3 trung đoàn pháo phòng không cùng một đơn vị lực lượng vũ trang các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa với 40 ngàn quân. Quân đội ta ít hơn Mỹ - ngụy đến 5.000 quân, lại không có máy bay vận tải, trực thăng, pháo binh tầm xa, xe tăng thiết giáp... Trận đánh mở màn nổ ra ngày 20-1-1968 trên cao điểm 881Nam, chỉ trong ít phút giao tranh đã có hơn 15 lính Mỹ chết, 21 bị thương và 19 mất tích. Sau trận mở màn, quân ta tổ chức thực hiện bốn đợt tấn công liên tục. Đến ngày 9-7-1968, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ sân bay Tà Cơn. Giữa tháng 7-1968, người Mỹ cuối cùng rút chạy khỏi Khe Sanh. Quân ta đã làm chủ Đường 9, kiểm soát toàn bộ khu vực Khe Sanh - địa bàn chiến lược quan trọng ở phía tây Đường 9, Làng Vây của đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều được giải phóng..
Vết tích chiến tranh còn lưu lại trên Khe Sanh
Tổng kết chiến dịch, quân đội ta đã đánh thiệt hại nặng Quân đoàn III, Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Không Kỵ số 1 của Mỹ, diệt 11.900 quân Mỹ - ngụy (trong đó có hơn 10 ngàn lính Mỹ), phá hủy 197 máy bay, 78 xe tăng, xe thiết giáp, 46 khẩu pháo, 50 kho đạn, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự của Mỹ - ngụy ở khu vực Đường 9. Đồng thời, quân đội ta làm thất bại kế hoạch xây dựng hàng rào điện tử McNamara, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh của Mỹ. Sau thắng lợi tại Khe Sanh, bộ đội Trường Sơn mở thêm một tuyến mới là đường Trường Sơn Đông. Từ đó, việc đưa hàng hóa và bộ đội vào miền Nam nhanh hơn đáng kể.
HOA NỞ TRÊN CHIẾN HÀO
Anh Ngô Thanh Bảo, Giám đốc Bảo tàng Đường 9 - Khe Sanh cho biết: “Sau giải phóng, Khe Sanh là bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát. Trên đất dày đặc hố bom và bom mìn sót lại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hướng Hóa nói chung mất rất nhiều thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh. Ngày đó, cư dân thưa thớt vì di tản trong chiến tranh. Sau đó, tỉnh đưa dân từ các vùng khác lên lập nghiệp. Đến năm 1990, kinh tế - xã hội của huyện mới có bước phát triển. 100% thôn, bản định canh, định cư”. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, gọi tắt là khu thương mại Lao Bảo, với mục đích nhằm thông thương hàng hóa với Lào và Thái Lan. Khu thương mại này bao trùm từ thị trấn Lao Bảo đến thị trấn Khe Sanh và các xã lân cận của huyện Hướng Hóa tạo điều kiện cho Khe Sanh “cất cánh”. Hỏi chuyện người dân trong vùng, chúng tôi được biết kinh tế chủ yếu của Khe Sanh hiện vẫn là trồng cà phê. Thu nhập bình quân đạt khoảng 25 triệu đồng/người/năm.
Nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của ta tại Lào và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh trên nước bạn, cuối tháng 1-1971, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 huy động 21 ngàn quân ngụy cùng 10.000 quân Mỹ, 1.200 máy bay trực thăng, máy bay phản lực, máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay ném bom chiến lược B52, 250 khẩu pháo hạng nặng, 450 xe tăng từ Khe Sanh vượt biên giới Việt - Lào đi theo Đường 9 và đánh về Xê-Pôn. Bị quân ta đánh cho tơi bời nên ngày 23-3-1971, toàn mặt trận đã tiêu diệt được 8.298 lính (trong đó có 215 lính Mỹ), bị thương 12.420 và 625 mất tích, 1.142 bị bắt, phá hỏng 168 trực thăng, 618 máy bay bị bắn cháy. Hơn 1.000 xe thiết giáp, xe vận tải, 112 khẩu pháo và súng cối bị phá hủy... buộc Mỹ - ngụy phải tháo chạy về nước. |
Bảo tàng Đường 9 - Khe Sanh là nơi lưu giữ những hiện vật chiến dịch năm xưa. Những máy bay lên thẳng, máy bay vận tải, xe thiết giáp, xe tăng, lô cốt, hầm hào được bảo quản nguyên vẹn... Toàn cảnh bảo tàng là một chiến dịch thu nhỏ mà du khách chỉ cần nhìn vào đủ biết tính ác liệt của chiến tranh. Rời Khe Sanh, chúng tôi đến làng Vây thăm cựu chiến binh Hồ Thu (1944), dân tộc Vân Kiều, vốn là lính lái xe tăng tham gia giải phóng làng Vây. Nhưng thật tiếc, ông Hồ Thu “đi khách” (đi dự đám cưới), một tuần mới về. Trong ngôi nhà nghĩa tình đồng đội do Binh chủng Tăng thiết giáp xây tặng, bà Y Thu - vợ ông bập bẹ nói tiếng Việt. Chúng tôi hiểu bà nói, nhà đủ ăn, có điện, không bị bệnh tật, nhà có vườn trồng lúa rẫy, chuối và cây mì, nuôi được dê không lo đói. Làng Vây có 29 hộ, đường làng được làm bê tông. Ông Thu đi bộ đội từ năm 1963, đến năm 1970 ra quân.
Hiện chiếc xe tăng tham gia giải phóng làng vẫn uy nghi trên bệ xi măng, tạo cho chúng tôi ấn tượng khó phai về một làng Vây bé nhỏ mà chịu biết bao nhiêu bom đạn trong chiến tranh. Đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn những chàng trai, cô gái Pa Cô, Vân Kiều bên tiếng đàn Ta lư âm vang đã đi vào lời thơ, tiếng nhạc... lại cất lên trong các bản làng Hướng Hóa như một bản tình ca về cuộc sống mới.
Tấn Phong - Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065