>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
>> Bài 2 - Qua vùng "nắng lửa"
>> Bài 3 -Trái tim của Đoàn 559
BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
HUYỀN THOẠI DÒNG SÔNG SON
Nghe chúng tôi tìm về các “địa chỉ đỏ” dọc tuyến đường Trường Sơn và bến phà Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi mà vào năm 2000, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công tuyến đường Trường Sơn từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum), cụ Lê Văn Ấn nhất quyết xin đi cùng. Nhưng người nhà sợ cụ bị cao huyết áp dưới nắng lửa đất Quảng Bình nên chúng tôi phải đành từ chối thiện chí của cụ. Tưởng đáng tiếc cho một chuyến đi nhưng ngay tại bến phà Xuân Sơn chúng tôi đã nghe kể về huyền thoại của dòng sông này trong những năm tháng đánh Mỹ cứu nước...
TỌA ĐỘ CHẾT
Từ làng Cổ Hiền, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đang rộng mở và thẳng tắp chúng tôi tìm đến cầu Xuân Sơn. Hai bên đường, những làng mạc, đồng quê trù phú hiện ra trước mắt. Thỉnh thoảng, vài chú bò lại cất cao giọng rống gọi bạn, đàn dê ai thả đang gặm cỏ ven sườn đồi càng làm cho phong cảnh hữu tình. Xa xa, dưới chân cầu Xuân Sơn phía tay phải là dãy núi đá vôi sừng sững như bức tường thành, ẩn hiện trong mây phủ. Phong Nha đây rồi nhưng đường 15 ở đâu, bến phà năm xưa có còn hay đã được thay thế bằng cầu... Người chỉ đường chúng tôi vào bến thuyền của động Phong Nha. Ôi, lời cụ Ấn tâm sự quả không sai! Bến phà Xuân Sơn nay nép mình ngay sát bên bến thuyền Phong Nha nhộn nhịp và bị che bởi cỏ và rác...
Sông Son yên bình
Trước đây, tuyến đường Hồ Chí Minh này từ Tuyên Hóa (Quảng Bình) đến bến Quang (Vĩnh Linh) dài 285km. Toàn tuyến có bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), bến phà Long Đại (Quảng Ninh) và bến phà Thác Cóc (Lệ Thủy) cùng với 39 cầu cống các loại và 37 ngầm qua khe suối. Tất cả các trọng điểm này đều bị máy bay Mỹ tập trung đánh phá ác liệt. Nhưng bến phà Xuân Sơn là tọa độ chết - khu vực bị giặc tập trung đánh phá ác liệt nhất trên tuyến đường Trường Sơn qua Quảng Bình, bởi đây là điểm vượt của các tuyến đường 15, 12 và đường 20 Quyết Thắng.
Bến phà Xuân Sơn được xây dựng tại bến đò ngang trên dòng sông Son. Sau năm 1966, bến phà này do Đại đội cầu phà 16, thuộc Binh trạm 14 phụ trách. Phương tiện ở đây ban đầu có một phà 18 tấn, khi di chuyển phải kéo bằng tay. Sau đó, Bộ tư lệnh Đoàn 559 cho lắp phao cầu và 2 ca-nô kéo phà. Thời gian hoạt động là vào ban đêm, còn ban ngày phải tháo dỡ cất giấu vào cửa động Phong Nha. Ước tính, mỗi đêm có khoảng 2.000 xe vận tải chở hàng hóa, vũ khí vượt sông... tỏa đi các hướng của đường Trường Sơn. Chính vì vậy, bến phà Xuân Sơn là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Ban ngày thì chúng thả bom rải thảm đánh tọa độ, ban đêm chúng dùng pháo sáng tìm mục tiêu và tất cả các loại như bom phá, bom sát thương, có cả bom từ trường, bom nổ chậm, bom bi, bom tấn, bom định hướng, cây thu âm.. dày đặc trên mặt sông.
Để đảm bảo cho xe chạy vượt sông kịp thời đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, bộ đội công binh, Binh trạm 14 và nhân dân địa phương vừa tổ chức đánh trả máy bay địch vừa mở thêm hai bến phà mới, phà B và phà Nguyễn Văn Trỗi, gần động Phong Nha. Nhưng vẫn bị địch phát hiện đánh phá ác liệt. Có ngày bom làm chết hơn 40 người. Riêng Đại đội 4 thanh niên xung phong ở đây đã có 70 người hy sinh trong một đêm. Bình quân mỗi ngày có từ 12-16 tốp máy bay địch đến thả 60-80 quả bom và hàng trăm quả rocket xuống nhằm tiêu diệt bến phà Xuân Sơn.
SÔNG SON - DÒNG SÔNG MÁU
Sông Son trước đây có tên gọi là sông Troóc, một nhánh thượng lưu của sông Gianh ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Sông Son có 7,8km chảy ngầm trong dãy núi đá vôi giáp biên giới Việt - Lào. Thượng nguồn sông Son chảy ra từ cửa động Phong Nha. Có rất nhiều truyền thuyết nói về dòng sông Son, trong đó chuyện kể rằng, sau khi kinh thành Phú Xuân thất thủ, quân Tây Sơn chạy ra vùng này đều bị quân của Nguyễn Ánh giết hại, máu loang đỏ cả dòng sông nên mới có tên gọi là sông Son.
Chúng tôi đến bến sông Son vào một buổi chiều đầu tháng 8, phía cửa động Phong Nha mờ ẩn trong sương đá. Vợ chồng người lái đò Trần Văn Quang (1962) tình nguyện đưa chúng tôi sang sông trên bến phà Xuân Sơn năm xưa. Giữa dòng nước xanh mát, anh Quang kể: “Nhà tôi sống cách bến sông này hơn 1km từ bao đời nay. Ngày chiến tranh, còn nhỏ nhưng tôi chứng kiến rất nhiều cảnh xương tan thịt nát trên khúc sông này. Khi bến phà này được xây dựng, chính quyền vận động người dân lên núi tản cư để tránh cảnh bom đạn. Cha tôi chỉ cho mẹ và mấy đứa em đi còn tôi với ông ở lại. Lúc đó, cả làng đi hết chỉ còn hai cha con tôi với một người hàng xóm. Hằng ngày, tôi ở nhà kiếm rau còn cha bơi thuyền mủng ra phụ với mấy chú bộ đội và đánh cá trên sông. Những ngày giặc Mỹ đánh phá, cha tôi cùng người hàng xóm đi vớt xác người chết trên sông. Mỗi ngày có khoảng 20 người chết đều là bộ đội và dân công hỏa tuyến. Có ngày cha vớt được 300 xác chết do bom Mỹ thả xuống. Ban đầu tôi thấy người chết là sợ nhưng cha tôi bảo là việc làm của lương tâm và trách nhiệm nên tôi không còn sợ nữa”.
Trong câu chuyện, anh Quang còn nhắc tới một người phụ nữ tên Nhàn, một mình chèo đò đưa người sang sông bất chấp bom đạn. Bà Nhàn chèo đò cho đến năm 1990 thì nghỉ do tuổi cao sức yếu. Chị Nguyễn Thị Hương - vợ anh Quang nói thêm: “Ngày chiến tranh ác liệt lắm, khúc sông Son từ cửa động Phong Nha đến cầu Xuân Sơn ngày nay không đêm nào im tiếng bom nổ. Bộ đội cũng tổ chức đánh trả nhưng cũng chẳng ăn thua với bọn giặc trời nên ngày nào cũng có người chết”.
Cơn mưa chiều chợt ập đến, mặt sông khẽ gợn sóng, chị Hương thở dài, không biết có phải từ chuyện trong truyền thuyết hay những hy sinh mất mát của quân dân ta ngày chống Mỹ hay không mà sông Troóc được gọi là sông Son nhưng người làng tôi vẫn xem từ Son có nghĩa là máu đỏ dù dòng nước trong xanh đến lạ kỳ. Còn anh Quang nói: “Tôi làm nghề chèo đò đưa khách tham quan động Phong Nha đã 15 năm nay. Nhưng quả thực chưa có đoàn khách nào hỏi chuyện về dòng sông Son, về bến phà Xuân Sơn như các anh. Nhiều khi muốn kể cho du khách về truyền thống quê hương nhưng họ lờ tảng đi vì động Phong Nha hữu tình hơn...”.
TRI ÂN VỚI ĐỊA CHỈ ĐỎ
Thắp nén nhang tại bia tưởng niệm, chúng tôi không khỏi bùi ngùi về một dòng sông hiền hòa và xanh ngát như dòng sông Son đã hứng chịu bao cảnh chết chóc, đau thương của thế hệ cha anh ngày trước. Càng nghẹn lòng hơn khi cách bia tưởng niệm vài bước chân là khu bến phà phục vụ du khách thăm động Phong Nha rất nhộn nhịp. Nhưng hỏi chuyện du khách thì rất ít ai biết về bến phà này. Có lẽ họ không biết đến quá khứ là do công tác giáo dục truyền thống, tôn tạo di tích lịch sử của ta hiện chưa bắt kịp với xu thế.
Chị Hương cho hay, năm 2000, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về bến phà Xuân Sơn phát lệnh khởi công tuyến đường, xây cầu vượt sông cũng là dịp để người dân hiểu thêm những giá trị lịch sử của quê hương mình. Đây cũng là dịp để tri ân với thế hệ cha anh đi trước đã một thời kéo phà bằng tay dưới mưa bom bão đạn.
Hôm nay, cầu Xuân Sơn sừng sững nối đôi bờ sông Son trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là cầu lớn nhất trên dự án đường Hồ Chí Minh, với công nghệ thi công cầu tiên tiến nhất tại Việt Nam, do Công ty công trình giao thông 510 thi công. Bến phà Xuân Sơn nằm trong quần thể khu du lịch Phong Nha bao gồm bến phà tượng đài chiến thắng, bia tưởng niệm, nếu được khai thác hợp lý thì địa chỉ đỏ này và dòng sông Son huyền thoại sẽ tô điểm thêm nét độc đáo cho khu di sản thiên nhiên thế giới này. Đây cũng là hình thức tri ân đối với thế hệ cha ông với biết bao xương máu đã ngã xuống.
Tấn Phong - Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065