>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
>> Bài 2 - Qua vùng "nắng lửa"
BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
TRÁI TIM CỦA ĐOÀN 559
Chúng tôi có mặt tại Quảng Bình những ngày tháng 8, lúc tỉnh đang tích cực chuẩn bị lễ hội đua thuyền truyền thống mừng ngày Quốc khánh 2-9 trên sông Kiến Giang. Bà Lê Thị Dúng (1946), ở xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - một cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - kể cho đoàn nghe những năm tháng dưới mưa bom bão đạn ở Trường Sơn: “Nếu viết về đường Trường Sơn mà không biết Cổ Hiền, không đến sông Son là chưa hiểu hết về một thời đầy hùng tráng của quân và dân Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...”.
HUYỀN THOẠI CÂY ĐA HƠN 350 TUỔI
Theo lời chỉ dẫn của bà Dúng, chúng tôi ngược đường 16, lên miền Tây Lệ Thủy để đến đường Trường Sơn, tìm đến những trái tim của Đoàn 559 trong giai đoạn 1965-1975. Làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) nằm ở ngã ba sông, nơi con sông Long Đại từ dãy Trường Sơn đổ xuống hợp lưu với dòng Kiến Giang của huyện Lệ Thủy đổ về tạo thành sông Nhật Lệ chảy qua thành phố Đồng Hới trước khi ra biển lớn. Cổ Hiền là một làng quê có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử 500 năm. Tại làng Cổ Hiền đến nay vẫn còn dấu tích của Lũy Trường Dục hay còn gọi là Lũy Thầy và có chợ Cổ Hiền rất nổi tiếng từ thế kỷ 16-17 trong việc giao thương của đất Quảng Bình xưa.
Phục dựng lại cây đa, cứu sống hồn của làng
Thật may mắn cho chúng tôi, bởi lãnh đạo UBND xã Hiền Ninh dù rất bận rộn với nhiệm vụ sau kỳ từ đại hội Đảng nhưng cũng dành thời gian đưa cụ Lê Văn Ấn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh từ năm 1973-1986 để thông tin thêm cho đoàn. Cụ Ấn cho hay, làng Cổ Hiền có 12 cây đa cổ thụ. Trong đó, cây đa tại khu ủy ban hành chính xã Hiền Ninh có hơn 350 tuổi. Cây đa này cao hơn 30m, tán cây được chia nhiều tầng tỏa bóng mát một vùng rộng lớn với bán kính 20m, gốc to khoảng 5-7 người ôm mới hết. Năm 1965, khi đi khảo sát tuyến đường Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 đã chọn nhà làm việc của ủy ban hành chính xã Hiền Ninh - nơi có cây đa cổ thụ làm Tổng hành dinh của đoàn cho đến ngày đất nước thống nhất. Cụ Ấn cho biết: “Lúc tướng Nguyên về làng, tôi là cán bộ phụ trách khối quân sự của ủy ban hành chính xã. Khi Trung tướng Nguyên nói về việc đặt trụ sở ở làng Cổ Hiền thì người dân sẽ chịu hy sinh mất mát nếu như giặc phát hiện. Hôm đó, tôi với lãnh đạo xã tổ chức mít tinh tại ủy ban và nói rõ quan điểm chủ trương của Đảng, của Đoàn 559 về làng “đóng đô”. Hàng ngàn cánh tay đều giơ cao, nhất trí dù có hy sinh mất mát đến đâu, miễn là phải giải phóng được miền Nam, thống nhất được đất nước. Ngay đêm đó, cả ba dòng họ lớn ở Hiền Ninh như Lê, Trương, Nguyễn đều nhất trí lấy nhà thờ họ cho đoàn cất giấu vũ khí, tài liệu, điện đài... Nhà thờ họ Lê của tôi là nơi cất giữ tài liệu cho đoàn”.
TẤT CẢ ĐỀU VÌ TIỀN TUYẾN
Làng Cổ Hiền và xã Hiền Ninh chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng chục kilômét là làng thuần nông. Những năm kháng chiến chống Pháp, Cổ Hiền được biết đến như là cái nôi của phong trào cách mạng ở huyện Quảng Ninh. Tại đây, nhà thờ họ, đụm rơm, lùm cỏ đều là những nơi che giấu cán bộ. Nhà thờ họ Lê của cụ Ấn cũng có một căn hầm bí mật. Cán bộ, bộ đội hành quân qua làng thì vào ở chung nhà dân...
Trong câu chuyện từ quá khứ, hiện tại và tương lai, cụ Lê Văn Ấn bùi ngùi nói: “Tôi là lớp người sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh. Mỗi tấc đất, mỗi con sông, mỗi làng quê ở đất Quảng Bình đều gắn liền với những chiến tích lịch sử nhưng công tác bảo tồn, giáo dục truyền thống của chúng ta đang còn rất nhiều hạn chế nên ít người biết tới. Ngay như bến phà Xuân Sơn (nằm sát đường vào động Phong Nha) là các tọa độ chết, những kỳ tích thời của một khói lửa nhưng du khách chỉ đi ngang qua. Họ không biết bến phà này được hình thành và vai trò của nó như thế nào, cột mốc biển báo thì sơ sài, tượng đài thì xuống cấp...”. |
Tại khu vực hội trường, nhà làm việc của Đoàn 559 ở Cổ Hiền hiện vẫn còn trưng bày hơn 200 di vật của thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Những hình ảnh về quân dân Hiền Ninh mở đường, vận tải lương thực vào chiến trường. Cụ Ấn nói: “Cây đa này là một trong những yếu tố để Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chọn đặt làm Bộ tư lệnh. Tại đây, cứ ba ngày một lần tướng Nguyên cùng các ông Đặng Tính và nhiều cán bộ khác họp bàn chuyện cơ mật khoảng 30 phút. Sau đó, mọi người rút đi trong lặng lẽ. Như vậy, mọi tin tức về chiến trường, hoạt động của ta trên tuyến đường Trường Sơn đều tập trung về đây và từ đây các chỉ đạo, mệnh lệnh được phát đi các tuyến. Sau này về thăm lại nơi đây, tướng Nguyên ví Cổ Hiền là trái tim của Đoàn 559”. Cụ Ấn cũng cho biết thêm, từ ngày Đoàn 559 về làng, nhân dân nhường nhà lớn cho bộ đội, còn gia đình sống ở nhà bếp. Có những lúc tôi nghe báo cáo quân số bộ đội ở làng lên đến 150 ngàn người, nhưng ra đường chỉ thấy phụ nữ và trẻ em”.
Cụ Ấn giới thiệu về Cổ Hiền qua bản đồ của Đoàn 559
Cụ Ấn nói, Mỹ - ngụy không phát hiện được trái tim của Đoàn 559 đóng ở làng, vì công tác bảo mật, phòng gian trong nhân dân làm rất tốt. Nhưng Hiền Ninh cũng là một xã trọng điểm đánh phá của không quân, hải quân Mỹ... Khi chúng tôi đến khu đặt Bộ tư lệnh, cây đa của làng vẫn còn nhưng đã chết khô khốc trong nắng gió, mưa bão miền Trung. Dưới bóng cây đa này ngoài nơi trao đổi, nghỉ ngơi và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đoàn 559, còn đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các vị khách quý, như Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Sihanouk, bà hoàng Monique, tướng Đinh Đức Thiện, nhà thơ Tố Hữu... về thăm và chỉ đạo bộ đội Trường Sơn đánh Mỹ. Cơn bão số 10 năm 2013 đã quật đổ cây đa, để cứu “hồn của làng”, người dân Hiền Ninh đã quyên góp và trích ngân sách xã được 120 triệu đồng thuê cần cẩu siêu trọng về cứu cây. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó cây chết”.
VỮNG VÀNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, làng Cổ Hiền và xã Hiền Ninh đang thay da đổi thịt từng ngày. Các đường đi lối lại trong xã đã được bê tông hóa. Nhà ở của dân đều được xây dựng khang trang. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết: “Xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1993. Toàn xã hiện không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ chiếm 5,7%, số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ cao, thu nhập đạt 25 triệu đồng/người/năm. Phong trào xây dựng nông thôn mới của Hiền Ninh đã đạt 14 tiêu chí, còn 5 tiêu chí về đích vào năm 2016...”. Còn cụ Ấn kể: “Cổ Hiền là một làng cổ do những người từ Hải Phòng, Thanh Hóa vào lập nghiệp 400- 500 năm nay. Nhiều nhà thờ họ, dòng họ trong làng có công với nước được vua sắc phong hiện vẫn còn lưu giữ. Đây là bài học giáo dục truyền thống rất có ý nghĩa đối với lớp trẻ trong giai đoạn hiện nay”.
Trao đổi với một số cán bộ trẻ của UBND xã Hiền Ninh, ai cũng tự hào về truyền thống quê hương. Nhiều người không biết đến chiến tranh nhưng khi được nghe kể về huyền thoại cây đa của làng, về kỳ tích Cổ Hiền, Hiền Ninh và đất Quảng Bình trong khói lửa chiến tranh, đặc biệt là khi tham quan những di tích lịch sử, những hiện vật trưng bày ở nhà truyền thống Đoàn 559... thì càng ra sức học tập để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ vào năm 1966, Quảng Bình quê hương 2 giỏi (đánh Mỹ giỏi và sản xuất giỏi).
Tấn Phong- Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065