>> Bài 1 - Khúc tráng ca bất tử
BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta đã lập nên một kỳ tích góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước, đó là xây dựng được hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường này được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là một công trình quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ngày nay, con đường huyền thoại năm xưa đã gánh vác thêm một trọng trách mới, trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Bình Phước đã có dịp đi và viết về một thời máu và hoa của cả dân tộc cùng nhau ra trận và những đổi thay trên con đường huyền thoại này…
Bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
QUA VÙNG “NẮNG LỬA”
Nhiều tài liệu, sách báo... đã nói, Quảng Bình là vùng đất lửa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi đặt chân đến đây, chúng tôi mới hiểu hết từ “đất lửa” mà lịch sử đã vinh danh cho vùng đất này. Quảng Bình không chỉ có “lửa” của thiên nhiên từ nắng cháy da, gió Lào thổi khô cả người mà ngay cả miền cát trắng ven biển cũng bị thiêu đốt bởi khí hậu quá khắc nghiệt. Đã vậy, trong chiến tranh Quảng Bình còn là vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ nhằm chặt đứt “yết hầu” vận tải hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Đó là lửa của chiến tranh. Mỗi con sông, ngọn núi, làng mạc… của đất Quảng Bình đều là những địa danh lịch sử, là điểm chiến đấu với lũ cướp nước… Hôm nay, Quảng Bình đã thay da đổi thịt nhưng vết thương chiến tranh còn hằn sâu trong cuộc sống của người dân nơi đây.
LỬA CHIẾN TRANH, LỬA TỪ THIÊN NHIÊN
Những ngày đầu tháng 8-2015, đất Quảng Bình đang tiết mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Ở miền đất hẹp nhất nước này một bên là cát trắng, một bên là núi đá trơ trọi càng làm cho không khí ngột ngạt, nóng như rang. Mùa gió Lào đã kết thúc hơn 2 tháng và đã có mưa nhưng cây cỏ vẫn nhuốm một màu vàng khẹt, ruộng đồng nứt nẻ. Ấy vậy, cách đây hơn 40 năm, vùng đất này là vùng oanh tạc của không quân và hải quân Mỹ. Nhiều cụ già nói rằng, đất Quảng Bình những năm chống Mỹ không ngày nào im tiếng súng nổ, bom rơi. Trên trời thì máy bay từng đàn, ngoài biển thì tàu của Hạm đội 7 thi nhau bắn phá. Người dân ra đồng không dám đội nón lá trắng, ban đêm không dám thắp đèm dầu. Mọi sinh hoạt đều ở hầm đào, hang đá như thời nguyên thủy. Thế nhưng, tất cả những khó khăn gian khổ ấy đều bị ý chí và nghị lực của con người Quảng Bình đẩy lùi. Bởi đây là điểm đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi tập kết tất cả hàng hóa, con người và vũ khí để chuyển vào Nam qua con đường Trường Sơn huyền thoại.
Một nhà thờ họ ở Quảng Bình được công nhận là di tích quốc gia vì đã có công với nước
Những năm đánh Mỹ, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 704 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái. Thanh niên xung phong Quảng Bình đã mở 5 tuyến đường ngang vượt Trường Sơn ở phía tây hướng vào miền Nam với số lượng 6.500 thanh niên xung phong. Ngoài ra, Quảng Bình còn chi viện cho các chiến trường hàng ngàn người con ưu tú vào các đơn vị chủ lực. Dù trong mưa bom bão đạn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã dành hơn 2.600 tấn gạo, 1.100 tấn thịt, gần 4.000 tấn cá, mắm các loại và hàng ngàn tấn rau, thực phẩm, đường để cung cấp cho tiền tuyến.
RA NGÕ GẶP ANH HÙNG
Trong chiến tranh, dải đất Quảng Bình là chiến trường ác liệt giữa một bên là bom đạn, phương tiện chiến tranh hiện đại với một bên chỉ có lòng quả cảm và vũ khí thô sơ. Thế nhưng, vùng đất này có một sức sống mãnh liệt ngay cả khi bom đạn cày xới. Bởi đây tuy là dải đất hẹp, là nút thắt của đất nước và có khí hậu khắc nghiệt, nhưng là địa bàn chiến lược trọng yếu trong các cuộc chiến tranh.
Ngay từ thời kỳ phong kiến, Quảng Bình là nơi giao tranh ác liệt giữa quân Đại Việt với Chămpa. Đến thời kỳ Lý Thường Kiệt mới đặt nền móng cương vực quốc gia tại đây. Đến thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình là ranh giới của hai tập đoàn phong kiến này mà dấu tích còn sót lại thành cổ Đồng Hới, Quảng Bình Quan và Lũy Thầy. Như vậy, từ bao đời nay đất Quảng Bình phải chứng kiến và chịu đựng nhiều nỗi đau chia cắt, chiến tranh xâm lược. Nhưng dù có biến cố lịch sử, hay thiên tai địch họa thì người Quảng Bình chưa một giây phút qụy ngã.
Bến phà Long Đại (nay là cầu Long Đại) một trong điểm đánh phá của Mỹ trên đường Trường Sơn
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua được hơn 40 năm, nhưng trên suốt dải núi rừng Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình vẫn còn lại nhiều dấu tích của những năm tháng sục sôi chiến đấu. Những địa danh trên tuyến đường Trường Sơn chúng tôi đi qua như Khe Hó, Khe Ve, đèo Mụ Giạ, đèo Đá Đẽo, hang Tám Cô, đường 20 quyết thắng... trập trùng mây, trập trùng núi vẫn còn đó những vết sẹo của bom đạn chiến tranh. Đã hơn 40 năm mưa gió, bên bến phà Xuân Sơn, Long Đại... vẫn in sâu vào tiềm thức người dân về những tọa độ chết. Làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh vẫn ôm trọn Bộ tư lệnh Đoàn 559 vào lòng nhưng những người con ưu tú của đất nước. Mẹ Suốt vẫn hiên ngang dưới mưa bom bão đạn chèo đò chở quân sang sông... Những khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả dành cho tiền tuyến”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn...” hay các phong trào “Quảng Bình 2 giỏi”, gió Đại Phong... vẫn được người dân nơi đây dùng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Có thể nói, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình thực sự là tuyến lửa của miền Bắc. Đế quốc Mỹ đã cho đủ các loại máy bay đánh vào Quảng Bình hơn 8 vạn lần (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52), với hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc-két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Bom đạn Mỹ đã giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người. Đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà, làng mạc, công trình đều bị bom Mỹ phá hoại. Ngay như thành phố Đồng Hới trong chiến tranh bị bom đạn Mỹ đánh phá không viên gạch nào còn nguyên vẹn. Người dân tản cư lên núi, vào rừng để sinh sống. Trong sự hủy diệt chiến tranh là vậy, nhưng Quảng Bình đã rất xứng đáng với sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ giao phó. Vừa là tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng. Do vậy, trong một lần về thăm, Đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp đã biểu dương đất Quảng Bình “Ra ngõ gặp anh hùng”.
NƠI HỘI TỤ TOÀN QUÂN
Dù là dải đất hẹp nhưng địa bàn hiểm yếu nên đất Quảng Bình những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Ông Trương Tấn Thiển (92 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa ở thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy) kể: “Do địa thế hiểm yếu nên Mỹ thường xuyên tập trung đánh phá rất ác liệt. Nhưng Quảng Bình cũng là nơi tập kết hàng hóa, kho bãi, khí tài chiến tranh để vào Nam. Ngày đó, tàu chở hàng hóa từ đường biển cập cảng Gianh, Nhật Lệ, Ròn, Quán Hàu... để chuyển lên Trường Sơn. Bộ đội hành quân vào Nam cũng đến Quảng Bình tập kết”.
Do vậy, hàng hóa từ tất cả mọi con đường bộ, đường biển đều tập kết đến Quảng Bình, sau đó dân công hỏa tuyến vận chuyển bằng đường sông đến bến phà Xuân Sơn, phà Long Đại, phà Thả Cóc để lên đường Trường Sơn sang nước bạn Lào chi viện cho miền Nam. Như vậy, Quảng Bình là điểm xuất phát hàng hóa, con người, khí tài để tỏa đi các nhánh, hướng trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, các tuyến đường như đường 15 chạy dọc Trường Sơn, đường 12B từ miền Tây Tuyên Hóa qua Sê-Pôn; đường 16 từ làng Ho, Lệ Thủy qua bản Đông; đường 20 từ Phong Nha qua tỉnh Khăm Muộn (Lào)... tạo thành một hệ thống đường chiến lược vĩ đại, vượt đèo, băng suối và vươn dài đến với miền Nam ruột thịt.
Trong thời kỳ xây dựng đất nước, bến phà Xuân Sơn được Chính phủ chọn làm điểm tổ chức lễ khởi công giai đoạn 1 đường Hồ Chí Minh vào năm 2000 từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) có chiều dài 1.000km. Hôm nay, Quảng Bình đang vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới, toàn tỉnh có 11 xã được công nhận xã nông thôn mới, năm 2015, có 18 xã đang tiến về đích đúng hẹn.
Tấn Phong- Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065