Toàn tỉnh hiện có 9 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh và hàng chục di tích khác chưa được xếp hạng. Các di tích phân bố rải rác trên địa bàn 4 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú và 2 thị xã Phước Long, Bình Long. Mỗi di tích đều có giá trị, ý nghĩa lịch sử riêng, là điểm tham quan của du khách mỗi khi đến Bình Phước. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của các di tích hoặc công tác trùng tu, bảo vệ còn sơ sài, dẫn đến một số di tích dần trở thành “phế tích”.
DI TÍCH CẤP QUỐC GIA ĐÃ BỊ XÓA SỔ
Trước khi hoàn toàn giải phóng (ngày 7-4-1972) và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, huyện Lộc Ninh là địa bàn tập kết của các nguồn nhiên liệu, lương thực, quân trang... để phục vụ cho chiến trường B2 và chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong các nguồn chi viện, nhiên liệu xăng dầu là một yêu cầu bức thiết để phục vụ cho cuộc chiến thần tốc sau này. Trước yêu cầu đó, đầu năm 1974, xăng dầu từ tổng kho chính được chia về các tổng kho nhiên liệu phụ: Tổng kho VK98 gồm 7 bồn chứa và VK99 gồm 10 bồn chứa, tại xã Lộc Quang và xã Lộc Hòa (Lộc Ninh). Mỗi bồn xăng cao 3,5m, đường kính 10m với sức chứa 250.000 lít/ bồn, đủ nói lên tầm vóc và quy mô của tổng kho xăng dầu này. Các bồn chứa của kho nhiên liệu được đặt sâu dưới lòng đất, rất bí mật và được bảo vệ nghiêm ngặt. Với ý nghĩa to lớn đó, năm 1989, Tổng kho nhiên liệu VK98 và VK99 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu vực Tổng kho nhiên liệu VK99 ngày xưa
Qua khảo sát của chúng tôi, các bồn xăng hiện đã bị tháo dỡ vì nhiều lý do khác nhau, chỉ còn để lại một bồn (VK98) tại xã Lộc Quang, nhằm giới thiệu “một góc” lịch sử hào hùng đã qua của dân tộc. Còn VK99 thì hiện không còn dấu vết nào. Sau gần 2 giờ đồng hồ tìm kiếm, chúng tôi không thể tìm ra được di tích này. Hỏi những người dân sinh sống trong vùng, ai cũng lắc đầu. Trời đã nhá nhem tối, chúng tôi may mắn gặp được ông Điểu Long Ré, một người dân bản địa ở xã Lộc Hòa. Ông Long Ré sinh sống ở khu vực này từ năm 1972, rất thông thuộc địa bàn và đã nhận dẫn đường cho chúng tôi. Vòng vèo trong lô cao su chừng 4km, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu vực Tổng kho nhiên liệu VK99. Cảnh tượng đầu tiên là một rừng cao su bạt ngàn, khoảng 4 năm tuổi. Ông Điểu Long Ré cho biết: “Sau ngày giải phóng, rất đông người đi xe reo vào dùng máy cắt bồn xăng thành nhiều tấm rồi chở đi, để lại những hố sâu giữa đám đất trống. Sau này Công ty Cao su Lộc Ninh đã dùng máy ủi san lấp các hố rồi trồng cao su”.
Nếu không có ông Điểu Long Ré dẫn đường và chỉ chỗ, chúng tôi không thể tìm ra Tổng kho nhiên liệu VK99 và nếu có đứng ngay trên mảnh đất lịch sử ngày ấy, cũng không thể nhận ra được nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Không có bia ghi dấu tích, không hiện vật di tích, VK99 chỉ còn là một màu xanh bạt ngàn của cao su.
Tại sao một di tích lịch sử cấp quốc gia lại biến thành rừng cao su? Tại sao không còn một dấu tích nhưng vẫn được xếp là di tích lịch sử cấp quốc gia? Một ngày nào đó, khách du lịch đến thăm Tổng kho nhiên liệu VK99, gặp cảnh tượng này họ sẽ nghĩ gì? Trách nhiệm gìn giữ di tích lịch sử này thuộc về ai? Việc xây dựng tổng kho và vận chuyển xăng dầu về đây trong thời kỳ chiến tranh gian khó được giữ gìn một cách hoàn toàn bí mật, những người dân sống xung quanh không hề hay biết, đã là một kỳ tích trong chiến tranh. Vậy mà...
ĐỪNG ĐỂ DI TÍCH THÀNH BÃI RÁC
Sân bay quân sự huyện Lộc Ninh nằm cạnh nhà giao tế, bảo tàng và Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện. Sân bay nằm trên một khu đồi bằng phẳng, rộng khoảng 5 ha. Trước đây là sân bay quân sự của Mỹ - ngụy, sau ngày Lộc Ninh được giải phóng, sân bay thuộc về chính quyền Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sân bay này là nơi đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày 31-1-1973, Thượng tướng Trần Văn Trà dẫn đầu phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam bay về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban liên hiệp Quân sự bốn bên tại trại Đavis. Cũng tại đây, ngày 12-2-1973, quân và dân ta đón đoàn Ủy ban quốc tế về làm việc cũng như các vị đại sứ, trưởng phó đoàn của Ủy ban quốc tế về thăm Lộc Ninh... Sân bay quân sự Lộc Ninh còn là nơi ta tiến hành trao trả tù binh và đón nhận những người con ưu tú, trung kiên của cách mạng từ các nhà tù của địch trở về theo Hiệp định Pari.
Ngày nay, di tích lịch sử sân bay quân sự Lộc Ninh vẫn còn đó. Bên cạnh cổng sân bay có một tấm bia ghi lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đây, trong đó có sự kiện ngày 12-2-1986, sân bay được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Vào thăm di tích, du khách không còn được sống lại một thời hào hùng, đánh dấu những thắng lợi của quân dân Bình Phước. Cổng sân bay đã bị thời gian bào mòn, gỉ sét và rêu phong. Trên mặt sân bay là những đống rác sinh hoạt của người dân địa phương xả ra, những đống xà bần mỗi ngày một cao lên.
Hằng ngày qua lại khu vực này, tận mắt chứng kiến cảnh người dân mang rác, đất, đá, gạch, ngói đổ đống trên sân bay vô cùng đau lòng. Không biết ban quản lý di tích có biết tình trạng đó hay biết mà vẫn làm ngơ. Đó là cảm giác và câu hỏi của những ai một lần đặt chân tới đây - địa danh lịch sử, một di tích cấp quốc gia được bảo vệ bởi Luật Di sản.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065