Ông giữ xe ở chỗ tôi sáng sáng thấy hai mẹ con hộc tốc chạy thường nhắc “cho cháu đi ngủ sớm đi, 9g tối ngủ là được rồi”.
Khổ nỗi, chúng ta đang sống ở đô thị, hoặc ở thời đại mà thế giới gần như không ngủ, bởi khi sách khi báo, chỗ ti vi, nơi internet, và khối lượng bài học "khổng lồ", việc đi ngủ lúc 21g là môt việc khó chứ không dễ.
Con tôi cố gắng lắm lên giường lúc 21g30, nhưng bao giờ cháu cũng vật vã mãi 22g hơn mới ngủ yên. Hỏi các bạn khác thì đa số đều như vậy. Có bé còn thường xuyên thức đến 23g. Hình như thức khuya đã là xu hướng chung của cả xã hội?!
Ảnh mang tính chất minh họa
Vào học lớp một gần hai tháng rồi, mà sáng nào tôi cũng phải lay gọi con như gọi đò, và sáng nào cháu cũng ỉ ôi, mẹ ơi, con ngủ thêm một chút nữa được không mẹ.
Nhà tôi cách trường 10 phút đi xe máy. Nhưng để đến trường trước giờ đóng cổng là 7g, tôi phải lay cháu dậy từ 6g, lăn qua lộn lại bao giờ cũng phải mất 10 phút. Vệ sinh cá nhân, ăn sáng, thay quần áo mất tất cả khoảng 30 phút, khoảng 6g45 hai mẹ con ra khỏi nhà.
Đấy là trường cháu còn qui định 7g mới vào lớp, trường của các bạn hàng xóm còn sớm hơn, 6g45 là phải có mặt trong lớp rồi. Từ 5g30 đã nghe tiếng cô hàng xóm giục giã con dậy đánh răng rửa mặt.
Không chỉ trẻ con, mà đối với hầu hết người lớn chúng ta, khoảng thời gian từ 5g đến 6g là lúc ngủ say nhất, êm nhất, tất nhiên trừ những người có đặc thù nghề nghiệp phải dậy sớm hoặc người cao tuổi.
Đã bao giờ chúng ta thử thức dậy sớm, rồi 5 phút sau ngồi vào bàn ăn sáng luôn chưa? Có thấy ngon lành gì không? Vậy mà trẻ con sáng nào cũng phải dậy rõ sớm so với nhu cầu của chúng, và chậm nhất là 10 phút sau đó phải cấp tập ăn sáng, bữa ăn luôn diễn ra trong tiếng thúc giục hối hả của phụ huynh
Có phụ huynh chọn cho con ăn sáng trong trường, cũng chẳng thoải mái hơn mấy, cháu phải đến sân trường từ 6g15, cha mẹ gọi một suất ăn sáng rồi ngồi xúc hoặc nhắc nhở con tăng tốc cho kịp giờ học.
Tôi luôn tự hỏi, tại sao giờ vào lớp của học sinh của chúng ta quá sớm? nhất là bậc tiểu học? Có thể nào cho các cháu vào lớp muộn hơn không? Thí dụ như 8g15 mới vào lớp chẳng hạn, để các cháu được thêm khoảng một giờ ngủ ngon cho trí não phát triển.
Tôi nghĩ trẻ con thì thức giấc lúc 7g sáng là hợp lí, nhất là mùa đông ở các tỉnh phía bắc. Chúng ta sẽ dành cho chúng tối đa 45 phút để chuẩn bị, và từ 7g45 đến 8g15 là thời gian đi đến trường.
Các phụ huynh phải làm giờ hành chính có thể sẽ là người phản đối câu hỏi này đầu tiên. Vì các vị sẽ nói, 7g30 tôi cũng phải có mặt ở cơ quan rồi.
Khắc phục điều này đòi hỏi cả xã hội phải thay đổi giờ làm việc, như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Phụ huynh sẽ đi làm muộn hơn, sau giờ học của con và sẽ nghỉ trưa ít hơn, 30 phút thôi thay vì 1g30 phút như hiện nay. Tôi thấy người nước ngoài ở Việt Nam họ làm việc thông tầm, ăn trưa xong họ không ngủ một giấc như chúng ta đâu, mà năng suất buổi chiều vẫn đảm bảo hơn hầu hết chúng ta. Người ta làm được, sao chúng ta không làm được, chẳng phải chúng ta vẫn luôn nói rằng “tất cả vì tương lai con em chúng ta” đó sao?
Những bậc phụ huynh làm nghề tự do thì tôi nghĩ chẳng có lí do gì phản đối.
Các cô giáo sẽ bảo, vào lớp muộn như vậy không đủ giờ giảng bài. Tôi lại thấy, đằng nào cháu cũng học 2 buổi ở trường, và giờ nghỉ trưa của cả cô và cháu hiện nay cũng khá dài, sao không thể bớt lại chút đỉnh. Nếu ngủ nhiều đủ giấc buổi sáng, các hoạt động khác của trẻ sẽ nhanh gọn hơn vì chúng đã tỉnh táo hơn.
Thay đổi một thói quen bao giờ cũng khó, nhất là thói quen đã quá lâu rồi, nhưng tôi tin với tình yêu và trách nhiệm đối với con em, chúng ta sẽ làm được.
Theo bạn, tình trạng trẻ con thức khuya có phổ biến ở các thành phố lớn như con của tác giả bài viết này? Liệu có nên dời thời gian vào lớp (đối với khối tiểu học) trễ hơn? Việc nghỉ trưa bao nhiêu lâu là hợp lý? Hãy cùng chia sẻ qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065