Già làng Điểu Đang ở thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng kể: Trước đây, đồng bào các dân tộc thiểu số sống chủ yếu trong rừng, cuộc sống du canh, du cư theo mùa vụ. Không nơi nào họ ở được đến 2 mùa nương rẫy vì đất đai, địa hình đồi dốc, sau khi canh tác và thu hoạch thì vùng đất đó không còn màu mỡ như trước. Đồng bào cũng biết, nếu còn canh tác tiếp một mùa nữa sẽ không thu hoạch được như mùa trước. Du canh, du cư nên cuộc sống của đồng bào rất khó khăn và thiếu thốn nên việc làm nhà cũng tạm bợ, còn đồ dùng thiết yếu trong nhà, như xoong, nồi, chén, tô... cái có cái không. Cũng vì vậy mà khi hạt lúa được giã thành gạo, đồng bào đã nghĩ ra cách làm cho gạo chín thành cơm mà không cần đến xoong, nồi. Gạo sau khi ngâm cho vào ống nứa, thêm nước, rồi đưa lên đống lửa vừa nướng, vừa xoay. Khi thấy mùi thơm bốc ra thì cũng là lúc cơm chín, chỉ cần bóc vỏ nứa ra là có cơm ăn.
Ngày nay, để làm được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, đồng bào S’tiêng thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Chúng tôi cùng ông Điểu Phiớp ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi các vườn, rẫy chọn đồ đựng là những ống nứa thon dài không to, không nhỏ và phải là cây còn non, tươi xanh để khi nấu cơm, lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ thấm sâu làm cho cơm có vị ngọt cùng mùi hương tự nhiên. Ống nứa cắt từng lóng, để một mắt, không chọn đoạn quá non và quá già, chỉ lấy đoạn giữa để lóng dài. Hết một ngày, ông Điểu Phiớp mới tìm đủ 50 ống nứa ưng ý. Sau khi chặt xong, ông mang các ống nứa đến khe suối rửa sạch, cắt thêm bó lá chuối làm nút đậy ống cơm và đựng thịt nướng rồi mang về nhà dài truyền thống ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập chuẩn bị cho hôm sau làm cơm lam mừng lễ tôn vinh những gia đình S’tiêng, Mơnông giữ rừng giỏi.
Hai tay thoăn thoắt trộn đậu xanh, đậu đen đã đồ sẵn cho vào từng thau gạo nếp, chị Thị Lan ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập chia sẻ: “Để có một ống cơm lam dẻo thơm, ống nứa non phải có lớp màng mỏng bên trong và loại nếp nương hạt đều, trắng mịn. Muốn có nhiều loại cơm mùi vị khác biệt có thể thêm chuối xắt nhỏ, đậu đen, đậu xanh..., mỗi loại cho vào từng ống khác nhau làm tăng tính hấp dẫn và hương vị cho cơm”. Sau khi cho gạo vào phải đổ nước vào ống nứa ngâm trực tiếp và dùng lá chuối nút ống nứa lại. Gạo đổ vào không nén chặt mà cách miệng ống 5cm để khi gạo chín nở ra sẽ tự bít đầy ống. Nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khoảng 1 giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất cho gạo dồn xuống dưới giúp hạt cơm săn chắc. Nước cạn mới đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều. Lúc nấu cơm phải biết điều chỉnh ngọn lửa cho đều và xoay lật ống nứa luôn tay, không làm ống bị cháy để hạt gạo chín đều, dẻo, thơm ngon.
Khi thấy cơm lam chín, 2 chị Thị Lan và Thị Nghiêu cùng ở thôn Bù Dốt lấy ra khỏi bếp, để nguội, dùng dao róc vỏ ống cơm thật cẩn thận, giữ lại lớp vỏ mỏng, sau đó cắt phần mắt còn lại của ống và dùng tay tước vỏ ngược lên đằng miệng ống giúp giữ nguyên lớp màng cơm lam. Chính lớp màng ống nứa này kết hợp với gạo trắng, nước trong tạo nên vị thơm ngon của cơm.
13 tuổi biết nấu cơm lam, đến giờ đã thành ghiền, tuần nào chị Thị Nghiêu cũng nấu ít nhất 2 lần nếu không sẽ rất nhớ, dù hơi cực. Dùng cơm lam cũng rất tiện lợi, bởi có khi chỉ đơn giản là mang ống cơm với muối đậu đi rẫy ăn trưa. Hay quây quần cùng người thân, bà con trong thôn thưởng thức cơm lam với thịt nướng, rượu cần mừng một mùa lúa mới bội thu để cuộc sống ngày càng ổn định.
Không chỉ làm say đắm lòng người bởi tiếng cồng chiêng du dương trầm bổng, đồng bào S’tiêng còn khéo léo làm ra những món ăn đặc sản từ chính những sản phẩm được thiên nhiên ban tặng. Cơm lam giờ không còn là thức ăn chống đói khi đi rẫy của đồng bào. Hương thơm của ống cơm lam hòa quyện giữa thiên nhiên với bàn tay đồng bào S’tiêng đã lan tỏa khắp mọi miền, để những ai được thưởng thức đều cảm nhận sự chân thành, nồng hậu của đồng bào S’tiêng nói riêng và người Bình Phước nói chung.
“Phải canh thời gian nướng xong là ăn liền mới cảm nhận trọn vẹn được hương thơm từ khói cơm lam tỏa ra. Người ăn có thể cầm cả ống cơm lam tách phần nứa còn bám vào để lấy cơm ăn. Khi ăn cơm lam tự bóc sẽ thú vị hơn. Bóc làm sao để vẫn giữ được lớp vỏ lụa trắng mỏng manh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của cơm. Chấm cơm với muối ớt, kèm một miếng thịt nướng (heo, bò, gà đều được - PV) thì ngon phải biết”. Chị Thị Nghiêu ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065