Từ lâu, những bịch rác “vô chủ” lăn lóc bên lề đường hay các đống rác chình ình trong xóm, thậm chí cả núi rác trong khu dân cư không còn xa lạ với hầu hết mọi người. Ở Bình Phước, muốn chứng kiến điều đó, tới ngã tư Đồng Xoài sẽ thấy một đống rác hiện hữu thường xuyên tại nơi đông đúc, sầm uất. Cách đó chỉ vài trăm mét, đoạn đường vào chợ Đồng Xoài cũng luôn có một đống rác và trở thành một núi rác vào lúc chiều tối ở vị trí... đẹp nhất chợ - nơi lẽ ra phải được trang hoàng sạch, đẹp hoặc là một điểm nhấn thẩm mỹ cho khu chợ. Đó là rác sinh hoạt. Còn rác từ sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp, gọi chung là rác thải công nghiệp, ngoài một số nơi xe tải thường xuyên đổ trộm vào ban đêm ở khu vực vắng vẻ, còn lại chỉ có “thánh” mới biết nó đã được xử lý như thế nào, chôn lấp ở đâu.
Dẫn ra điều đó để thấy rằng, 2 chiếc xe ba gác chở rác thải ra cạnh đường Hồ Xuân Hương đổ trộm... không có gì là lạ. Trước đây, người ta còn đổ cả rác thải y tế xuống hồ Suối Cam - cũng là hồ cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân nội ô Đồng Xoài với chai, lọ, bình, bọc, ống dẫn, xi lanh... nổi lềnh bềnh cả một góc hồ. Nhưng rồi vụ việc cũng chìm nghỉm sau khi bị phát hiện, báo chí đưa tin. Việc khu dân cư tràn ngập rác thải, dường như đã tạo nên tâm lý chấp nhận “sống chung với rác” của rất nhiều người. Còn thói quen xả rác bừa bãi, vô tội vạ của người Việt Nam (nếu ai không tin, hãy tới Quảng trường 23-3 ở Đồng Xoài sau mỗi tối có sự kiện nào đó) nhưng không được ai, cơ quan truyền thông, tổ chức văn hóa nào quan tâm, thậm chí còn xem như đã “ăn vào máu” mất rồi, không thể sửa được nữa!
Từ bao giờ ý thức cộng đồng của người Việt lại kém đi đến thế? Từ bao giờ trẻ em Việt Nam (và cả người lớn) chỉ được quan tâm nhồi nhét vào nhận thức về những vấn đề lớn lao như chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, trái đất ấm lên... mà không được chỉ dạy, không biết đến những hành động tối thiểu, sát sườn với cuộc sống hằng ngày của mình? Một cá nhân, một cơ quan truyền thông, một ngành văn hóa, ngành môi trường... đều không thể nhưng để giải quyết những vấn đề này, cần có ai đó, cơ quan, tổ chức nào đó “cầm cờ” tiên phong, phát động cả xã hội bỏ thói quen xấu, xây dựng thói quen đẹp như chính người Việt đã “mắt thấy, tai nghe” ở các quốc gia ngay trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói tới các nước phát triển.
Chuyện rác thải “tấn công” khu dân cư đã được báo động từ nhiều năm trước tại các đô thị lớn. Bình Phước bây giờ mới chớm vào “cuộc chiến” này. Hy vọng không chỉ 2 chủ xe ba gác, mà tất cả những ai vi phạm cũng bị phạt nặng, đặc biệt là phải làm cho những kẻ làm ăn bất chính, phá hoại môi trường phải chùn tay trước khi làm những việc phương hại đến môi trường sống.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065