Cuộc tình đặc biệt
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về gia đình em Trần Ái Hải Sơn ở thôn 8, xã Thanh Hòa. Đã 20 tuổi nhưng Sơn chỉ cao bằng đứa trẻ lên 3, nặng chưa đầy 30kg. Căn nhà tình thương của gia đình Sơn rộng khoảng 30m2 heo hút bên lô cao su là tổ ấm của một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Tài sản quý nhất trong nhà chỉ là chiếc tivi cũ và những bằng khen, giấy khen của anh em Sơn treo trang trọng trên tường. Mẹ của Sơn - chị Nguyễn Thị Thu Thủy (1970), quê ở Trà Vinh. Năm 25 tuổi, chị Thủy đi làm công quả trong một ngôi chùa ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, chị Thủy gặp anh Trần Minh Thắng là người cùng quê. Anh Thắng bị khuyết tật, đôi chân teo tóp không đi lại được, 2 cánh tay cũng bị khuyết tật, chỉ làm được những công việc nhẹ. Cha mẹ anh Thắng đã mất, anh không có nhà ở ổn định. Tuy bị khuyết tật nhưng anh lại có tấm lòng từ bi, thường lui tới chùa phụ giúp bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, chị Thủy cảm mến và quyết định lấy anh Thắng làm chồng với mong muốn san sẻ những bất hạnh của anh.
Chị Thủy nhớ lại: “Khi quyết định lấy anh Thắng, cả gia đình ai cũng phản đối vì sợ tôi khổ cả đời. Nhưng “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, cưới xong vợ chồng tôi về sống nhờ nhà ngoại. Hằng ngày, tôi đi làm thuê, còn anh đi xe lăn bán vé số phụ trang trải cuộc sống. Năm 1996, tôi sinh bé Trần Thị Ngọc Ngân. Tuy nhiên, cháu lại mắc căn bệnh giống cha, phần xương tay và chân của Ngân có những khớp nhỏ khác thường. Các khớp xương bị teo dần và gãy thành nhiều đốt. Mỗi lần tay, chân con bị gãy, vợ chồng tôi đưa con đến bệnh viện chữa trị nhưng xương vẫn không liền. Năm nay, Ngân 22 tuổi nhưng cao chưa đầy 1m, chỉ nằm một chỗ nên mọi sinh hoạt cá nhân tôi phải chăm lo cho cháu”.
Cuối năm 1996, gia đình chị Thủy chuyển lên Bình Phước sống nương nhờ gia đình chị gái ở xã Thanh Hòa. Thương hoàn cảnh vợ chồng chị Thủy nên một người dân trong vùng đã cho mượn 1 sào đất nông nghiệp dựng lều ở tạm và trồng rau màu. Năm 1998, chị Thủy sinh bé Trần Ái Hải Sơn. Khi chào đời, Sơn bình thường như những đứa trẻ khác. Thế nhưng từ 1 tuổi đến năm lên 10, Sơn liên tục bị gãy xương giống như chị Ngân. Đôi tay dị dạng, đôi chân Sơn teo tóp dần không thể đi lại, phải di chuyển bằng xe lăn.
2 lần “vượt cạn” là 2 lần chị Thủy chua xót nhìn con tật nguyền. Chị vẫn luôn cầu nguyện, khao khát các con lành lặn. Như thấu hiểu lòng chị, năm 2000 chị Thủy sinh bé Trần Thị Thúy Ái. May mắn, bé Ái sinh ra bình thường. Lên 1 tuổi, bé Ái chập chững đi và vợ chồng chị Thủy như vỡ òa hạnh phúc. Niềm vui như nhân lên khi năm 2004, vợ chồng chị tích góp sang nhượng được miếng đất nhỏ và được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam hỗ trợ xây nhà tình thương.
Sức sống mãnh liệt
Gia đình khó khăn, thân hình khiếm khuyết nhưng niềm đam mê đèn sách của Sơn chưa bao giờ tắt. Từ nhỏ, Sơn đã rất ham học. Vì vậy, dù bận rộn đến mấy chị Thủy vẫn tranh thủ thời gian chở con đến trường và đặt con ngồi ngay ngắn trong lớp học mới ra về. Nhà khó khăn, chị Thủy lại là lao động duy nhất nên phải sắp xếp cho Sơn và em gái (cách nhau 2 tuổi) học chung một lớp để dễ đưa rước.
Ngày anh em Sơn vào lớp 1 thì anh Thắng bị tai biến rồi nằm liệt giường. Mỗi ngày, chị Thủy vừa đưa con đến lớp rồi tất tả đi làm, thỉnh thoảng ghé về nhà chăm sóc chồng và con gái lớn. Vì mắc bệnh xương thủy tinh nên Sơn thỉnh thoảng bị gãy xương tay và chân. Khó khăn là vậy, nhưng chị Thủy không một lần nghĩ tới việc buông bỏ mà cố gắng vượt qua. Thấy mẹ vất vả chăm ba, nuôi con nên Sơn và em gái luôn chăm chỉ học tập, đạt thành tích rất tốt. 12 năm học ở trường, Sơn và Ái luôn đạt học sinh giỏi, xuất sắc. Đặc biệt, Sơn còn đoạt giải trong hội thi tiếng hát người khuyết tật cấp tỉnh. Sơn cho biết: “Dù thân hình không lành lặn như các bạn nhưng em không mặc cảm, tự ti mà xem đó là động lực để cố gắng học tập và nuôi dưỡng ước mơ trở thành kỹ sư tin học. Đây là ngành phù hợp với sức khỏe của em, lại có thu nhập ổn định để phụ giúp mẹ chăm sóc ba và chị gái”. Vừa qua, Sơn thi đậu Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 20,4. Em gái Sơn cũng đậu vào Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh với 17 điểm.
Vào giảng đường đại học, Sơn lại đối mặt với nhiều khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống tự lập, tự ăn uống, tắm rửa, giặt đồ, đến lớp... Nhưng không vì thế mà Sơn nản lòng, ngược lại em rất chăm chỉ học tập và còn nhiệt tình tham gia hoạt động phong trào của trường. Em Lê Vũ Thanh Duy, sinh viên năm 2 Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, bạn cùng phòng ký túc xá với Sơn, cho biết: “Lần đầu tiên em gặp trường hợp đặc biệt như Sơn, người khuyết tật nhưng tràn đầy sức sống và nghị lực. Tấm gương của bạn đã giúp em thay đổi rất nhiều. Em không còn ham chơi như trước mà dành nhiều thời gian hơn cho việc học và tích cực tham gia các hoạt động của trường”.
Là người khuyết tật nhưng Sơn lại ở lầu 3 trong ký túc xá của trường. Phòng có 8 sinh viên cùng ở, chiếc giường của Sơn được bố trí trong cùng để tiện việc vệ sinh hằng ngày. Góc học tập của em được sắp xếp khá ngăn nắp, gọn gàng. Cạnh giường là chiếc xe lăn để hỗ trợ em di chuyển. Trò chuyện với tôi, Sơn luôn giữ nụ cười trên môi và ánh mắt rất sáng trong. Chia tay Sơn, tôi không khỏi cảm phục. Một thanh niên với thân hình của một đứa trẻ lên 3 nhưng luôn tràn đầy nghị lực sống. Mong sao ước mơ trở thành kỹ sư tin học của Sơn sớm thành hiện thực. Mong các nhà hảo tâm kết nối những “tấm lòng vàng” để Sơn hoàn thành ước mơ của mình.
Trước hoàn cảnh khó khăn của Sơn, thầy Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã vận động thầy cô, sinh viên quyên góp được 49 triệu đồng. Thầy Dũng đã trích 13 triệu đồng mua một chiếc xe lăn điện cho Sơn dễ dàng di chuyển. Số tiền còn lại dùng đóng học phí cho Sơn đến khi ra trường. Ngoài sự quan tâm, giúp sức của thầy cô giáo, sinh viên, căng tin trường còn hỗ trợ 2 suất cơm/ngày cho tới khi Sơn kết thúc khóa học.
|
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065