* Điều 196 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, với nội dung cụ thể như sau: 1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. 2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. 3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai. 4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. 5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gửi biên bản hòa giải đến Phòng tài nguyên và môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở tài nguyên và môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng tài nguyên và môi trường, Sở tài nguyên và môi trường trình ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định trên trong dự thảo về việc Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp hòa giải và giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tranh chấp mà nguyên đơn, bị đơn, hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thì cần có quy định cụ thể hơn. Vì đối với trường hợp này, để giải quyết tranh chấp thì buộc phải thông qua hòa giải ở ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, như vậy ủy ban nhân dân cấp xã vì lý do nào đó nên không tổ chức hòa giải thì tranh chấp này sẽ không được giải quyết, dẫn đến nhiều bất cập. Hơn nữa, nếu ủy ban nhân dân cấp xã là nguyên đơn hoặc là bị đơn hay là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà cũng lại là người đứng ra giải quyết tranh chấp thì chẳng khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Khoản 2 của Điều 196 cần được bổ sung nội dung như sau vào đoạn cuối: ...Trường hợp UBND cấp xã nơi có đất là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để hòa giải. Tương tự như vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản vào phần đầu Điều 197, với nội dung như sau: Đối với những trường hợp hòa giải tại UBND cấp xã, hoặc hòa giải tại Tòa án nhân dân cấp huyện không thành thì người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
* Điều 202 trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi là những quy định về trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, với nội dung như sau: 1. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. 2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Qua tìm hiểu tôi được biết, nội dung quy định về trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai đã có từ trước trong luật đất đai cũ (Điều 143), nay nội dung này vẫn được giữ nguyên và đưa vào thành một điều mới (Điều 202) trong dự thảo. Trong khi đó, thực tế từ nhiều năm qua cho thấy quy định này đã không có hiệu quả thực thi cao. đây là lý do dẫn đến tình trạng khiếu kiện do vi phạm về đất đai vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm đến khoảng 70% các vụ khiếu kiện hiện nay.
Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì nội dung này cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do đó, tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 202 như sau: Trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai: 1. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Bộ tài nguyên và Môi trường, Chính phủ chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai của cấp dưới do mình quản lý trực tiếp. 2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm về đất đai xảy ra trên địa bàn.
Duy Khánh (Phú Riềng)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065