Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. |
Sáng 6-11, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Về lộ trình thông qua dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu, việc thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng cho rằng, đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.
Cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát. Do đó, việc củng cố vai trò, vị thế và quyền lực của thiết chế hội đồng trường trong trường đại học là cần thiết. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và hiệu trưởng quyết định sang cơ chế hội đồng trường quyết định; chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, thực hiện quyền tự chủ thuộc về hội đồng trường; hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Điều này phù hợp với xu thế chung của GDĐH trên thế giới.
Tuy vậy, trong bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của hội đồng trường với vai trò thực thi, điều hành của hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.
Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho GDĐH, dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung theo hướng xác định trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển GDĐH, quy định phương thức phân bổ ngân sách thông qua các hình thức: Chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.
Về học phí, dự thảo Luật quy định đây là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở GDĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật. Cơ sở GDĐH phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ sinh viên để hỗ trợ người học có khó khăn về tài chính.
Về quản lý tài chính, cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, được tự chủ quyết định đầu tư dự án phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu, tự quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật cũng yêu cầu cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm toán và công khai nguồn tài chính.
Về quản lý, sử dụng tài sản, dự thảo Luật quy định, tài sản do nhà nước đầu tư, giao cho cơ sở GDĐH quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công. Nhà trường được phép sử dụng một phần tài sản được giao vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển GDĐH theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Nguồn HNM
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065