Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, phương án 1 quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án 2: Thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định; đối với cấp tỉnh, do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất nêu trên chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, còn mang tính cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mang tư duy quản lý tập trung, nên giao quyền tự chủ cho các địa phương về thời gian làm việc, miễn là làm đủ 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/tuần. Bởi mật độ dân cư, hạ tầng giao thông, khí hậu, thời tiết, nhân lực, loại hình công việc... mỗi vùng, miền, địa phương ít nhiều khác nhau, quan trọng là hiệu quả mang lại. Ví dụ, mật độ dân số của Bình Phước còn thấp, chỉ khoảng 132 người/km2 nên chưa xuất hiện tình trạng ùn ứ về giao thông thời điểm cán bộ, công chức, viên chức đến công sở làm việc, vì vậy không thể áp dụng như 4.097 người/km2 và thường xuyên bị tắc đường, kẹt xe như thành phố Hồ Chí Minh; hay những tỉnh thuần nông, chỉ phát triển du lịch không thể áp dụng giờ làm việc như các tỉnh công nghiệp... Nếu thời tiết mùa đông có thể nghỉ 60 phút, nhưng mùa hè nắng nóng thì thời gian nghỉ trưa như dự luật đưa ra không đủ để tái tạo sức lao động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc...
Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng đồng bộ, thống nhất giờ làm việc, nghỉ ngơi của các cơ quan hành chính; đồng thời xây dựng được tác phong làm việc hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ lao động, năng suất lao động rất cao. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức đi trễ, về sớm; ý thức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp của một bộ phận công chức, người lao động chưa cao dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh, rõ ràng không có “đất” cho thói quen làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, cản trở năng suất lao động của toàn xã hội.
Đặc biệt, cả nước ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thì việc siết chặt kỷ luật hành chính, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm với công việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố quan trọng. Đồng thời, tạo động lực, môi trường làm việc để kích thích công chức, viên chức, người lao động cống hiến, phát huy tối đa sức sáng tạo. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có nghiên cứu xã hội thật cụ thể trước khi đưa quy định nêu trên vào luật, để hướng tới mục đích cao nhất là nâng cao hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065