Tác giả Hoàng Ngọc Giang - Nghệ An
BPO - Nắng keo lại như mật, sóng sánh quện xuống mặt đất. Chiều sậm sịch về nhanh, không đủng đỉnh, thong thả như mới hôm nào. Trong hương thơm của lúa non, của mật ngọt, tôi nghe thoảng đâu đây mùi thơm của thị. Gần lắm mà xa lắm. Ôi, mùi hương, mùi hương thơm như cổ tích của tôi!
Nếu nói có mùi thơm nào ám ảnh nhất tuổi thơ tôi thì đó là mùi của thị. Chỉ nhìn thấy quả thị vàng ươm, ngửi thấy mùi dịu ngọt, lắng sâu của nó là bao nhiêu ký ức về tuổi thơ lại ùa về, da diết, da diết kỳ lạ.
Ký ức tôi có một con đường rợp bóng mát những cây thị già. Những cây thị tư lự cúi mình nhìn những đứa trẻ đang chơi đồ hàng; lắng nghe các bà, các cô gồng gánh đi chợ về râm ran chuyện trò. Con đường ấy, chao ôi là mịn. Cát mịn màng như da như thịt, như hơi thở của cuộc sống dịu dàng thuở ấu thơ.
Dưới bóng râm mát của thị, chúng tôi bày ra bao nhiêu là trò. Trò cô dâu chú rể, trò trốn tìm, trò giấu báu vật, cả trò làm muối- cái nghề đặc trưng của quê tôi... Vào những ngày đầu giêng, khi hoa thị bung nở những cánh hoa trắng xanh xanh, xinh xinh, ấp mình trong bóng lá, những đôi mắt trong vẻo lại ngước lên, háo hức nhìn, háo hức chờ hoa rụng để nhặt lấy về xâu vòng. Vòng cổ, vòng tay, và cả chiếc vương miện của nàng công chúa ngủ trong rừng.
Ngày thu sang, những quả thị xanh trốn tìm hôm nào nay vàng ươm trong nắng, thơm lừng cả đường thôn, ngõ xóm. Hương của thị dịu dịu, bay thật xa, thơm thật sâu, thật sâu... đến tận bây giờ.
Trẻ con chúng tôi ngày đó, đứa nào mà không ríu rít mừng vui khi được mẹ, được bà dành cho một quả thị. Tôi thường dúi mũi vào làn da căng mẩy, mướt vàng của thị mà hít hà, hít mãi, hít mãi không thấy thỏa. Đi ngủ, tôi để nó nơi góc bàn, hương thị lan tỏa trong đêm, tỏa cả vào trong giấc mơ của tôi cho đến khi trở thành thiếu nữ.
Bà cố đan cho tôi chiếc giỏ xinh xinh để đựng thị. Sau này lớn hơn, tôi tự học cách đan. Có khi bằng sợi len, sợi cước, khi bằng chạc chuối. Chúng tôi, đứa nào cũng mặc cho thị một cái áo, nâng niu thứ quả ấy vô cùng. Cái giỏ ấy, mùi thơm ấy, sắc màu ấy đã đi qua, quện chặt, thấm sâu trong tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ.
Chơi mãi, chơi mãi đến khi thị mềm rồi mà hương còn nức thơm, chúng tôi bóp nhẹ, thật nhẹ, thật mềm rồi sẽ hút lấy mật ngọt của thị, ngậm những cái hột cho đến khi hết thịt thì rửa sạch, găm một cái que nhỏ nơi đầu hạt làm que kem, hay nghịch nghợm hơn thì cốc lên đầu bạn. Rồi cứ thế cười giòn tan, giòn tan.
Bao nhiêu mùa thu đi, bao nhiêu mùa thu lại, những cây thị cổ thụ năm nào đã thành dĩ vãng. Tôi giờ cũng không còn cầm giỏ thị vung vẩy đi khắp làng quê. Mùi hương ấy thành mùi hương cổ tích. Nhưng đó là thế giới tôi đã may mắn được đặt chân và vui thích thỏa thuê.
Lưu giữ mùi hương của thị từ tuổi thơ đến tận bây giờ. Ký ức ấy, điều giản dị ấy như góp thêm cho tôi chứt “gia vị” trong cuộc đời, để mỗi khi lòng mình trắc ẩn, tôi lại nghĩ về.
Ngọc Giang
Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.
Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.
Bài viết gửi về: [email protected]; ĐT: 0888.654.509.
Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.
Chi tiết xem tại đây
BBT
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065