Nhưng thực tế không như những con số thống kê. Dường như trong cả 3 trận đã qua, điều chung nhất Sabella đem đến cho người hâm mộ là sự thiếu tổ chức trong lối chơi, hay nói một cách khác, đó là đội bóng bế tắc trong tấn công, thận trọng trong phòng thủ và thiếu bản sắc của đội bóng đã từng sản sinh ra Menotti, Maradona, Kempes, Pekerman, Riquelme và Messi.
HLV Sabella của Argentina - Ảnh: Reuters
Trong một tập thể tưởng chừng nhiều tên tuổi Garay, Zabaleta, Mascherano, Gago, Higuain, Aguero…, nhưng với ông thợ dành phần lớn cuộc đời mình làm trợ lý của Pasarella, chẳng mấy ai tin tưởng vào lối chơi của Argentina sẽ đem lại điều gì “phi thường” tại Brazil lần này.
Dù chơi với sơ đồ 4-3-1-2 thiên về tấn công với bộ 4 đáng mơ ước Messi, Di Maria hỗ trợ Higuain và Aguero ở trên, những tưởng Iran, Bosnia hay Nigeria sẽ là rổ đựng bóng, nhưng thực tế sự thiếu nhuần nhuyễn trong các mảng miếng phối hợp, thiếu ý tưởng và quá trông chờ vào Messi đã kéo Argentina không hơn là bao so với tầm Ecuador.
Thậm chí hiện giờ Argentina đá không “sáng nước” bằng Colombia, được cầm quân bởi Pekerman - “hàng thải” của AFA (Liên đoàn Bóng đá Argentina).
Nhưng cuối cùng thì họ cũng thắng, thắng cả 3 trận, theo 3 cách khác nhau: nhợt nhạt trong trận đầu, may mắn trong trận sau và vô tư rượt đuổi trong trận cuối. Nhưng tựu chung, trong một mầu nền nhợt nhạt đó, mẫu số chung trong 9 điểm có được là khoảnh khắc thiến tài của Messi.
Hội chứng Messidependencia có vẻ là căn bệnh ắt phải mắc khi có Messi trong đội hình, từ Barca của Pep, Tito, Tata đến Argentina của Maradona, Batista hay Sabella. 2 cái tên trước, đã thất bại nhưng cái tên sau, cho đến thời điểm này thật may mắn vẫn thành công. 4 bàn thắng kinh điển mang đúng thương hiệu M10 đã vực dậy một đội bóng thừa tên tuổi nhưng quá thiếu niềm tin vào chiến thắng.
Màn trình diễn đó dù mới chỉ ở vòng bảng (trước các đội yếu) làm nhiều người coi là một sự lột xác so với World Cup cách đây 4 năm, nhưng thực sự, các nhà chuyên môn đều hiểu rằng tại Nam Phi đã có một Messi không hề kém cỏi: chuyền 321 lần (tỷ lệ chính xác 86%), sút 21 lần (tỷ lệ trúng đích 57%), tạo 16 cơ hội cho đồng đội (nhưng bị bỏ lỡ 15 lần). Những con số thống kê đó dù bị lờ đi nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt lối chơi của số 10.
Pha sút phạt đẳng cấp vào lưới Nigeria của Lionel Messi - Ảnh: Reuters
Tại World Cup lần này, 3 pha cứa lòng trong điệu nghệ (trong đó có 1 pha đi bóng, 1 pha sút phạt) , một cú úp mu trời giáng với vận tốc không kém những gì Mathaus từng thực hiện, Messi đã gửi thông điệp tới toàn thế giới bóng đá về “tầm vóc” của một cầu thủ vĩ đại, ngay cả khi anh có đưa Argentina lên ngôi năm nay hay không.
Ở góc độ khác, cho dù Maradona gần 30 năm trước một mình kéo cả đội vào chung kết 2 giải liên tiếp với những ngôi sao tầm tầm như Ruggeri, Burruchaga, Valdano thì không có nghĩa Messi cần phải làm vậy để trở nên vĩ đại, vì cơ bản bóng đá thế kỷ 21 đã khác xưa.
Bóng đá hiện đại càng trở về bản chất của nó: Là môn thể thao tập thể và Argentina chưa phải là một tập thể đủ mạnh dưới tay Sabella. Hãy chờ Pekerman 4 năm nữa tại Nga chăng?
Rất có thể, dù khi đó số 10 đã 31 tuổi.