Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy năm 2013 là Năm gia đình Việt Nam, làm chủ đề chỉ đạo tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình. Đây là cơ hội tốt để nhìn lại những vấn đề cần quan tâm đối với gia đình Việt Nam hiện nay.
Công tác gia đình hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mấy vấn đề cần quan tâm:
* Thích con trai và mất cân bằng giới tính khi sinh: theo kết quả điều tra năm 2011, tỉ số giới tính khi sinh duy trì ở mức khá cao với 111,9 bé trai/100 bé gái, đáng chú ý rằng tỉ lệ này ở thành thị lại cao hơn ở nông thôn. Một vài đề tài nghiên cứu khoa học gần đây của Tổng cục Dân số và các viện nghiên cứu trong nước cho thấy ở nước ta có bằng chứng về loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính.
Sự mất cân bằng giới tính trong dân số dẫn đến hệ lụy trong tương lai không chỉ thị trường hôn nhân ở Việt Nam trở nên khó khăn do thiếu cô dâu, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...
* Bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội: tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập các gia đình. Bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển.
* Sự lưỡng nan khi thực hiện chức năng giáo dục và kinh tế của gia đình: xã hội ngày càng phát triển thì mức sống của các gia đình cũng được nâng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các thành viên của gia đình, đặc biệt là cha mẹ, phải dành nhiều thời gian và công sức hơn cho thực hiện chức năng kinh tế. Một khi gia đình đã mải mê với chức năng kinh tế thì thường ít quan tâm hoặc lãng quên các chức năng khác, trong đó có chức năng rất quan trọng là giáo dục con cái.
Có đến 70% vị thành niên vi phạm pháp luật đều có hoàn cảnh gia đình không êm ấm, cha mẹ thiếu quan tâm đến con. Đó chính là bi kịch của việc “thiên vị chức năng gia đình” do quá đề cao kinh tế mà coi nhẹ các chức năng phi kinh tế, nhất là chức năng giáo dục gia đình, chức năng tình cảm, chức năng văn hóa gia đình.
* Khác biệt giá trị và mâu thuẫn thế hệ trong gia đình: nhiều bậc ông bà, thậm chí cha mẹ không hiểu vì sao con cháu mình lại có thể có những hành vi, ngôn ngữ ứng xử mà theo họ “không thể chấp nhận được”. Xu hướng mỗi thế hệ nhìn về một phía (người lớn hay có tâm lý chưa thật tin cậy ở thế hệ trẻ, còn con cái tìm mọi cách để tự khẳng định mình) nếu không được khắc phục sẽ dẫn đến xung đột không chỉ trong suy nghĩ, lựa chọn giá trị, chuẩn mực mà cả về hành vi giữa các thành viên gia đình.
Bức tranh gia đình sẽ ảm đạm hơn nữa khi mỗi người lựa chọn cách sống vì “cái tôi” mà trở nên thiếu quan tâm đến người khác, bệnh vô cảm hình thành dần ngay trong những người thân thích, ruột thịt và lan tỏa ra cộng đồng, xã hội.
Bên cạnh mấy vấn đề nói trên, gia đình Việt Nam còn đang đối diện với tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm xã hội lo lắng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp.
Đó cũng là nguyên do mà gia đình Việt Nam không chỉ có riêng ngày 28-6 hằng năm để được tôn vinh, mà năm 2013 còn được Chính phủ chọn là Năm gia đình Việt Nam.
Đây là một quyết định đúng đắn và là một cơ hội tốt nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và gia đình quan tâm khắc phục những thách thức, từ đó sẽ xây dựng được các gia đình Việt thật sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065