Giá cao su tụt dốc - thử thách vô cùng khó
Hai thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc và Malaysia nhưng đều giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Cụ thể, thị trường Trung Quốc giảm 23,64% về khối lượng và 34,41% về giá trị; Malaysia giảm 14,04% về khối lượng và 39,55% về giá trị. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước năm 2014 sẽ chỉ ở mức 1 triệu tấn, với giá trị khoảng 1,8 tỷ USD. So năm 2013, sản lượng cao su xuất khẩu sẽ giảm khoảng 10% nhưng kim ngạch có thể giảm mạnh 25-30%.
Công nhân Nông trường Xa Trạch, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long vệ sinh dụng cụ thu gom mủ - Ảnh: Trung Thu
Theo Bộ Công thương, giá cao su xuất khẩu của nước ta trong những năm gần đây liên tục “xuống dốc không phanh”. Tháng 6-2014, giá xuất khẩu trung bình cao su loại SVR 3L đạt 1.965 USD/tấn, giảm 14,37% so tháng 1 và giảm 36% so cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 9 và những ngày đầu tháng 10-2014, giá cao su xuất khẩu càng giảm mạnh hơn. Giá chào bán trung bình của cao loại SVR 3L của Việt Nam trong tháng 9-2014 chỉ còn 1.601 USD/tấn, giảm 178 USD/tấn (-10%) so mức trung bình của tháng 8-2014 và giảm 832 USD/tấn (-34,2%) so với tháng 9-2013. Thời điểm hiện tại, giá cao su SVR 3L chỉ còn ở mức 1.500 USD/tấn và đây là giá xuất khẩu thấp nhất của cao su Việt Nam trong 8 năm qua.
Giá cao su xuất khẩu giảm đã kéo theo giá mủ cao su tươi tại các vườn trồng ở vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước - thủ phủ của cây cao su nói riêng, hiện ở đáy với mức 7.800-8.200 đồng /kg. Đây là mức giá thấp nhất của 8 năm qua. Trong khi năm ngoái, giá mủ cao su ở mức 15.000-17.000 đồng/kg và thời điểm cao nhất là năm 2011 lên tới 42.000 đồng/kg. Giá mủ cao su quá thấp đã khiến không ít hộ nông dân trồng cao su thanh lý vườn cây trước thời hạn. Thậm chí có nhiều hộ chặt bỏ vườn cây đang trong thời kỳ khai thác hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác để lấy đất trồng cây khác. Do đó, diện tích cao su dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2014, sản lượng cao su cũng sẽ giảm trong những năm tiếp theo.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, khối lượng cao su nhập khẩu trong 9 tháng 2014 của cả nước ước thực hiện 232.000 tấn, tốn phí 470 triệu USD, tăng 2,2% về lượng so năm 2013. Dự tính, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm sẽ lên tới 620 triệu USD. Như vậy, thặng dư thương mại của cao su thiên nhiên chỉ còn 1,2-1,3 tỷ USD, giảm 35% so với năm 2013.
Giải pháp hữu hiệu - Tái cấu trúc toàn diện
Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng chậm, trong khi nguồn cung tăng nhanh. Vì nhiều nước đã mở rộng diện tích trồng cao su trong thời kỳ giá cao khiến cung vượt quá xa cầu. Với giá bán cao su quá thấp như hiện nay thì ngành trồng cao su đã và đang lỗ nặng. Để ngành cao su tiếp tục đứng vững và phát triển bền vững thì giải pháp hữu hiệu nhất là buộc phải tái cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu và đa dạng hóa mặt hàng, qua đó tăng giá trị xuất khẩu thì mới hạn chế được khó khăn. Ở nước ta hiện nay trung bình mỗi năm sản xuất từ 1,1 đến 1,2 triệu tấn mủ cao su. Nhưng lượng dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 16-18%, trên 80% còn lại là xuất khẩu thô, giá trị thấp. Phát triển chế biến sâu sản phẩm cao su sẽ tạo giá trị gia tăng rất lớn nhưng phát triển sản phẩm nào là trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vỏ, ruột xe các loại, bao tay y tế và các sản phẩm khác.
Công nhân Nông trường Cao su Tân Thành, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú thu gom mủ - Ảnh: Chính Trung
Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta hiện nay thì để giải quyết vấn đề này, giải pháp tốt nhất là cần chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, có thương hiệu và thị phần lớn trong ngành chế biến sản phẩm cao su vào Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ chủ trì định vị sản phẩm công nghiệp cao su. Từ đó tập trung đẩy mạnh phát triển thì mới mong đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 35 đến 40% nguyên liệu cao su được chế biến.
Theo Tập đoàn Nghiên cứu cao su thế giới (IRSG), lượng dư thừa cao su thiên nhiên thế giới hiện đã lên đến 714.000 tấn, tạo ra lượng tồn kho cao su lớn nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Mặt khác, giá dầu thô sụt giảm mạnh khiến cao su tổng hợp trở nên hấp dẫn, cũng gây bất lợi cho thị trường cao su thiên nhiên. Theo nhận xét của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, thị trường cao su thế giới sẽ còn trì trệ tới khoảng năm 2018. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trong giai đoạn tới sẽ ngày càng gay gắt hơn.
|
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần có những giải pháp tổng thể cho ngành cao su, như: Quy hoạch phát triển chế biến sản phẩm sơ chế và công nghiệp; giải pháp về thuế, thị trường, đầu tư, nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông và khuyến công. Trong đó, giải pháp được ưu tiên là ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại nguyên liệu, máy móc, thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được để phục vụ chế biến sâu sản phẩm cao su. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và ban hành các chính sách đặc thù để thu hút các đối tác nước ngoài... Đối với các doanh nghiệp trồng và chế biến cao su sơ chế cần đẩy mạnh kiểm tra chất lượng mủ, nhất là đối với cao su tiểu điền.
Và đây chính là thời điểm, là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu ngành cao su một cách toàn diện. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển theo hướng bền vững của ngành cao su Việt Nam.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065