THỊ TRƯỜNG RỘNG MỞ, GIÁ SẼ CAO VÀ ỔN ĐỊNH
Sản lượng ca cao ở thị trường truyền thống Bờ Biển Ngà, Brazin có diễn biến thiếu ổn định đang đẩy ngành sản xuất sôcôla thế giới đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu. Nhu cầu sôcôla đặc biệt tăng ở các quốc gia đông dân và kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Đây cũng là các thị trường mà ca cao Việt Nam có lợi thế về vị trí chiến lược. Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với cây ca cao. Sản phẩm ca cao Việt Nam lên men đúng quy trình được xếp chất lượng hàng đầu.
Ông Hồ Đức Thảo (trái) hướng dẫn cho nông dân cách chăm sóc ca cao - Ảnh: Tư liệu
Nửa năm đầu 2013, giá ca cao chỉ ở mức 35 ngàn đồng/kg khô thì cuối năm đã tăng lên 45 ngàn đồng. Đúng như dự đoán năm 2014, thế giới thiếu khoảng 120 ngàn tấn ca cao nên giá tăng vụt, dao động ở mức 55-62 ngàn đồng/kg khô. Với mức giá này nhiều hộ ở Bù Đăng giữ được diện tích ca cao trồng xen điều thắng lớn.
Ông Lê Xuân Phiên ở xã Thống Nhất có 600 cây ca cao xen trong 1 ha điều. Nhờ hưởng lợi nước tưới ca cao nên mùa điều năm nay ông Phiên thu về 120 triệu đồng từ 2,5 tấn điều và 1 tấn ca cao. Ông Phiên cho biết, từ lúc trồng ca cao xen điều, thu nhập tăng thêm 40-60 triệu đồng/năm. Do đó, những năm giá mủ cao su tăng, nhiều hộ thanh lý điều chuyển đổi cây trồng thì ông Phiên vẫn “bình chân như vại”. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Cargil Việt Nam, nếu xen 500 cây ca cao/1 ha điều, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì nông dân sẽ thu nhập tăng gấp đôi.
LỢI THẾ ĐỂ TRỞ THÀNH VÙNG TRỌNG ĐIỂM
Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển ca cao, đến năm 2015 sẽ tăng diện tích lên 33.500 ha và năm 2020 là 50.000 ha. Dự án Hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam (PPP ca cao) do Bộ NN&PTNT ký kết với Chính phủ Hà Lan sẽ là đòn bẩy để ca cao phát triển.
Bình Phước hiện có 140.000 ha điều, trong đó có khoảng 60.000 ha có đủ nước để nông dân trồng xen ca cao và được Bộ NN&PTNT chọn vùng trọng điểm phát triển ca cao đến năm 2020 với diện tích khoảng 20.000-30.000 ha. Trồng xen trong vườn điều cũng là cơ hội để tỉnh giữ tiếng “thủ phủ” cây điều. Tháng 9-2014, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cùng Ban quản lý Dự án PPP ca cao đã phối hợp Sở NN&PTNT Bình Phước tổ chức hội thảo “Cơ hội để phát triển ca cao bền vững tại Bình Phước và Đông Nam bộ”.
Theo đánh giá của ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, ca cao cũng như các loại cây trồng khác đòi hỏi nông dân đầu tư khoa học - kỹ thuật. Mỗi giai đoạn phát triển phải có cách chăm sóc, bón phân phù hợp mới cho năng suất cao. Một số hộ trồng ca cao chưa chọn giống tốt và chăm sóc không đúng quy trình nên năng suất kém. Năm 2012 và nửa đầu 2013, giá ca cao bấp bênh nên xảy ra tình trạng nông dân chặt bỏ gần 200 ha/540 ha.
Được chọn là vùng trọng điểm phát triển ca cao, ngành nông nghiệp Bình Phước đang thực hiện những giải pháp cơ bản: Xây dựng vùng ca cao tập trung năng suất cao theo hướng hữu cơ bền vững; đầu tư hệ thống thủy lợi, điện tại vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác ca cao tiên tiến; có hệ thống thu mua và thông tin về giá để nông dân yên tâm sản xuất.
P. Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065