Thêm nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp
Nghị định số 121/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Điểm mới đáng lưu ý trong nghị định này là những quy định về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương cho DN. Với quy định mới bổ sung này đã tăng thêm tính ưu đãi cho DN. Ông Nguyễn Anh Dũng, chủ cơ sở sửa chữa ôtô tại phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài có 9 lao động, cho biết: Trước đây, cơ sở thường xuyên xây dựng định mức lao động và từ việc xây dựng định mức này sẽ quyết định đến đơn giá tiền lương của nhân viên cũng như giá thành đơn vị sản phẩm và lợi nhuận của cơ sở. Nhưng với Nghị định số 121/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, cơ sở sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc xây dựng định mức lao động, vì việc xây dựng định mức này đã thông thoáng hơn rất nhiều so với quy định hiện hành tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP.
Người lao động tách vỏ hạt điều ở một cơ sở chế biến tại ấp 2, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: K.B
Theo đó, về nguyên tắc xây dựng định mức lao động, Nghị định số 121/2018/NĐ-CP nêu rõ: DN xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý. Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của DN theo quy định của pháp luật. Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì DN phải điều chỉnh lại mức lao động.
Đồng thời, mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, DN phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại DN và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của DN.
Thuận lợi cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Tiêu chí để xác định DN nhỏ và vừa được quy định rõ tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Theo đó, DN siêu nhỏ là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng. Hoặc tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Và theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, thì căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, DN xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất - kinh doanh, phục vụ. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, DN phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại DN và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của DN. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.
Với quy định nêu trên, một cán bộ ở Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Số DN có lượng nhân viên dưới 10 người ở Bình Phước khá nhiều, nhất là trong lĩnh vực thu mua, vận chuyển nông sản. Đối với các DN này vì thuộc DN siêu nhỏ, nên không phải xây dựng và đăng ký nội quy lao động. Tuy nhiên, khi xây dựng thang lương, bảng lương thì DN phải mời đại diện liên đoàn lao động cấp huyện tham gia khi không có tổ chức công đoàn và phải gửi phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện. Điều này được coi là thủ tục hành chính rườm rà và không cần thiết, là vướng mắc của DN, khiến nhiều DN lúng túng.
Vì vậy, Nghị định số 121/2018/NĐ-CP đã thực sự gỡ khó cho DN khi bổ sung quy định đối với DN sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất - kinh doanh của DN. Đây được coi là việc tạo điều kiện cho DN siêu nhỏ phát triển, bỏ bớt thủ tục rườm rà không cần thiết, gây tốn kém chi phí của DN.
N. Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065