Là chị cả trong gia đình có 5 chị em, để giảm gánh nặng kinh tế, năm 2003, cô Nguyễn Thị Thu Hải chọn học Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước vì không phải đóng học phí, lại được ở ký túc xá. Ra trường, cô Hải về giảng dạy môn Sinh học tại Trường THCS Minh Lập và gắn bó đến nay.
Môn Sinh học rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày, đó là khoa học về cuộc sống tự nhiên, xã hội, con người. Nhằm giúp học sinh nhận thức và xây dựng mối quan hệ tốt với tự nhiên, ý thức trong chăm sóc bản thân, đặc biệt là giáo dục giới tính, cô Hải luôn linh động, có nhiều cách thức giúp các em hiểu, yêu mến môn học. Cũng từ đó cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong giảng dạy hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Thu Hải trong một tiết giảng môn Sinh học
Năm 2016, thấy bài thực hành tính xác suất xuất hiện các mặt của đồng kim loại (chương trình lớp 9) tồn tại một số nhược điểm trong giảng dạy cũng như hoạt động thực hành của học sinh như: Nhiều em trong quá trình gieo không giữ đúng độ cao giữa các lần gieo. Nếu 2 học sinh trong nhóm cùng gieo thì việc đảm bảo cùng một độ cao sẽ rất mất thời gian và không phải lúc nào cũng làm được. Việc gieo lần lượt từng đồng kim loại hoặc gieo 2 đồng kim loại với số lần gieo lên tới hàng trăm lần mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến trình tiết dạy. Học sinh có thể gieo trước ở nhà nhưng khi không có sự hướng dẫn của giáo viên nên có thể các em gieo chưa đúng cách, còn mang tính chất đại khái làm cho xong việc. Vì vậy, cô Hải đã đưa ra sáng kiến làm bàn gieo đồng xu. Nguyên vật liệu rất đơn giản gồm 4 ống nhựa đường kính tối thiểu 27mm, có độ dài bằng nhau 30cm (có thể thay đổi tùy theo độ cao cần gieo mà giáo viên xác định); 1 tấm ván ép 35x18cm; 4 ống bít 27mm; bút chì, thước kẻ, dao, đục nhỏ, ống keo dán sắt. Thiết bị này có thể tự động tháo lắp dễ dàng thông qua các vật liệu đơn giản, giá thành rẻ, chỉ 149 ngàn đồng có thể làm được 6 bộ bàn gieo. 1 lớp học với khoảng 30 học sinh thì việc chia 5 em thành 1 nhóm, 2-3 em làm nhiệm vụ gieo, các em khác quan sát và ghi kết quả vẫn đảm bảo khoảng cách giữa các lần gieo, cách gieo và rút ngắn được thời gian để giải thích kết quả thí nghiệm của Mendel. Bàn gieo sử dụng được nhiều lần ở các lớp học trong nhiều năm. Sáng kiến của cô đã được công nhận cấp tỉnh và áp dụng rộng rãi trong toàn tỉnh năm học 2017-2018.
Trong chương trình lớp 7, khi thực hành giải phẫu cá, ốc sên... một số học sinh sợ, thêm vào đó trường chưa có phòng bộ môn nên tiết thực hành phải diễn ra tại lớp, mùi của vật mẫu ảnh hưởng đến việc dạy và học. Để khắc phục tình trạng này, trước khi thực hành, cô Hải cho học sinh xem video về giun đất, ốc sên trong chương trình “Quà tặng cuộc sống”... Và để khử mùi hôi, cô Hải yêu cầu mỗi em mang các loại vỏ trái cây như: cam, quýt, bưởi (càng tươi càng tốt); mỗi nhóm chuẩn bị 1 ly nhựa có đựng bã cà phê, chè (mới qua sử dụng) vì các loại này không chỉ khử mùi hôi mà còn có mùi thơm dễ chịu. Nhờ vậy, tiết thực hành hiệu quả hơn.
Không chỉ có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, cô Hải còn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn như học lên Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh; hằng năm tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và thi giáo viên dạy giỏi. Năm học vừa qua, cô Hải đạt giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Nhật Hạ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065