Trong khuôn khổ Liên hoan Ẩm thực quốc tế Hội An 2017, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp thế giới - Ngài Thomas Andeas Gugler đã trao giấy chứng nhận, công nhận Hội An là “Thủ phủ ẩm thực của Việt Nam”. Bánh mì, cơm gà hay cao lầu,… đều là những cái tên khiến thực khách khắp nơi mê mẩn khi đến Hội An.
Bánh mì
Tuy nhìn bề ngoài không khác gì một hàng vỉa hè, nhưng hai hàng bánh mì Madame Khanh trên đường Trần Cao Vân và bánh mì Phượng tại đường Phan Châu Trinh được xem là hàng bánh mì ngon nhất thế giới. Đã có rất nhiều đầu bếp, nhà bình luận ẩm thực nổi tiếng thế giới đến thưởng thức và ca ngợi hương vị món ăn rất đỗi giản dị mà thân thuộc của người Việt Nam. So với Madame Khanh, bánh mì Phượng mang hơi hướng "Tây" hơn với jambon, pate, xúc xích, phô mai, thịt xông khói...
Sau một vòng dạo quanh Hội An buổi sớm, ngắm những giàn hoa giấy yên bình rũ xuống những mái nhà rêu xanh, hãy thưởng thức những chiếc bánh mì nóng hổi với phần nhân cơ bản gồm pate, thịt nướng, chả lụa, rau thơm và nước sốt đặc biệt. Trong đó, nhiều người cho rằng rau củ, nước sốt bơ và tương ớt Hội An là những thành phần bí mật mang đến vị ngon cho chiếc bánh.
Cao lầu
Cao lầu là món chỉ độc Hội An mới có và là món ăn nổi tiếng số một của phố cổ. Người dân nơi đây truyền tai nhau, cái đặc biệt của cao lầu nằm ở cách làm sợi mì: gạo phải được ngâm bằng nước tro đốt bằng củi lấy từ Cù Lao Chàm, nước phải lấy từ giếng Bá Lễ ở Hội An.
Thực khách thưởng thức món ngon bằng cách trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện cùng nhau.
Mì cao lầu được trộn cùng những cọng giá trắng ngần, những lát thịt xá xíu và thịt heo luộc mềm mại, rắc lên lớp đậu phộng rang cùng các loại rau bạc hà, húng quế thơm nồng. Thoạt nhìn, cao lầu hơi giống mì quảng vì sợi mì vàng thuôn, dày cùng với thịt rau. Nhưng khi nếm thử, bạn sẽ thấy sự khác biệt hoàn toàn. Sợi cao lầu dai hơn rất nhiều, lại chỉ dùng thịt xíu, nước tương màu hơi đen, có tóp mỡ giòn tan, vừa ngọt vừa cay.
Cao lầu bán ở các hàng gánh lề đường đến các nhà hàng trên đường Trần Phú, nổi tiếng nhất là quán Bà Bé.
Thịt nướng
Buổi chiều mát là thời điểm rất lý tưởng để thưởng thức món thịt nướng. Các gánh thịt nướng có bán nhiều trên đường Trần Phú hay đoạn gần chùa Cầu. Món này thơm đến mức cách xa một đoạn đã thấy ngửi rõ thấy mùi và khiến thực khách phải thèm thuồng.
Thịt nướng có thể dùng kèm bánh tráng hoặc ăn trực tiếp.
Thịt được tẩm gia vị, rắc lên một ít mè, kẹp trong một chiếc đũa rồi mới được đem đi nướng. Thịt chín được dọn cùng bánh ướt, rau sống, nước xốt chấm. Cách ăn đúng bài của món này là cuốn thịt cùng bánh ướt, bánh tráng, rau sống rồi chấm với nước sốt. Nhưng nếu đã hơi no, bạn chỉ cần tập trung thưởng thức những xiên thịt thơm nức mũi đang cháy xèo xèo trên bếp than.
Cơm gà Hội An
Không phải ngẫu nhiên mà món cơm gà Hội An lại nằm trong list bắt buộc phải thử khi tới phố cổ. Gạo tại đây thơm dẻo, được ướp gia vị rồi mới nấu với nước luộc gà. Gà phải là gà ta còn tơ để thịt mềm và không bị bở, vừa chắc vừa không dai. Thịt gà được xé nhỏ bóp với hành tây, muối tiêu, rau răm.
Món cơm gà Hội An với hương vị rất riêng, vô cùng hấp dẫn khiến khách du lịch không thể chối từ.
Một dĩa cơm gà vàng óng kèm với vài lá rau hung đặt lên trên khiến thực khách khó tính nhất cũng phải hài lòng. Ai giỏi ăn cay thì cho thêm chút tương ớt Hội An – thứ tương đỏ đậm hơi sệt vừa ngọt vừa cay, rất đặc trưng cho phố cổ.
Hàng cơm gà nổi tiếng nhất ở Hội An là cơm gà bà Buội ở đường Phan Châu Trinh.
Chè bắp phố Hội
Hội An có rất nhiều quán chè với thực đơn phong phú, đa dạng, nhưng với nhiều thực khách, hương vị đến từ những chén chè bắp, chè sen vẫn là sự trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Chè sen đặt trong một chiếc ly nhỏ, những hạt sen tươi, trắng muốt, thơm và mát, có giá khá rẻ, chỉ 5.000-6.000 đồng/ly. Còn chè bắp thì hoàn toàn khác so với các nơi khác. Bắp ở đây không hề để nguyên cả hạt mà được bào thành những lát rất mỏng, nấu nhừ ở mức độ vừa phải để khi cho ra bát thì đa số vẫn giữ nguyên lát li ti đó.Vị chè bắp của Hội An cũng thơm, cũng dẻo, nhưng ăn không cần phải cho thêm đá mà vẫn rất mát dịu. Mỗi bát chè bắp nhỏ xinh đó, giá chỉ khoảng 4.000-5.000 đồng.
Kem ống
Dạo quanh phố cổ Hội An, bạn có thể bắt gặp rất nhiều những xe đấy bán kem ống. Kem ống được làm trong những ống nhôm nhỏ xinh với thành phần gốm đường, sữa, nước, hương liệu, chút xíu muối...
Tùy từng xe mà bạn có thể lựa chọn 3 đến 4 vị kem, nhưng cơ bản nhất 4 vị gồm sữa dừa, sô cô la, dâu, sầu riêng. Trong đó, sữa dừa là vị hút hàng nhất với độ béo ngậy đặc trưng của cốt dừa.
Bánh đập, hến xào
Món này được yêu mến chính bởi sự nền nã và mộc mạc nhưng lại hòa quyện với nhau một cách đậm đà.
Cồn Hến nằm bên sông Thu Bồn là cái tên nổi tiếng ở phố cổ Hội An. Hến ở đây đặc biệt ngon và ngọt thịt dù nhỏ xíu. Người Hội An chủ yếu xào hến theo cách khá đơn giản để giữ nguyên độ ngọt, nêm nếm chút lạc rang, hành phi, sa tế, vừng và rau răm.
Hoành thánh
Hoành thánh có nhiều loại, như hoành thánh súp, hoành thánh mì, hoành thánh chiên, ăn kèm thịt heo, thịt gà, tôm. Nguyên liệu chính của món này là bột mì, trứng gà và tôm. Tôm ướp gia vị, giã nhuyễn, nước lèo thơm mùi dứa, nấm rơm và cà chua.
Hoành thánh là một trong những món ăn vô cùng đặc sắc của phố cổ Hội An.
Hoành thánh thường được coi là món ăn vặt chứ không phải món chính. Các quán hoành thánh nổi tiếng ở Hội An có thể kể đến quán Vạn Lộc trên đường Trần Phú, hoặc Thái Phiên.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065