BP - Ngày 24-7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, học sinh tỉnh nhà đậu tốt nghiệp THPT 93,38% (năm 2014 đạt 99,41%), trong đó hệ THPT đậu 95,33%, hệ giáo dục thường xuyên đậu 72,82% (năm 2014 là 93,6%). Ở phạm vi toàn quốc, năm nay có 1.005.654 thí sinh dự thi, kết quả đậu khối THPT 93,42%, khối giáo dục thường xuyên 70,08%, bình quân chung 91,58%.
Như vậy, ở Bình Phước và phạm vi toàn quốc, 2015 là năm có tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp nhất từ trước tới nay. Và năm nay cũng như tất cả các năm trước, đại diện ngành giáo dục đều khẳng định “Kết quả kỳ thi phản ánh đúng thực tế, đúng chất lượng giáo dục”. Năm nay, đại diện ngành giáo dục còn “giải thích” thêm mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi. Do đó, kết quả đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục bậc THPT. Vậy vấn đề đặt ra là: Nếu kết quả đã phản ánh đúng chất lượng và đều “chín mấy phần trăm trở lên” thì có cần thiết tổ chức thi nữa hay không?
Ngược thời gian, 10 năm trước, năm 2005, ngành giáo dục nước ta quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Một năm sau, năm 2006, ngành giáo dục tiếp tục bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Nền tảng để ngành giáo dục đưa ra quyết định bỏ hai kỳ thi này là tỷ lệ đậu tốt nghiệp đều xấp xỉ “một trăm phần trăm”. Đây cũng là cơ sở để chúng ta công nhận phổ cập tiểu học, phổ cập THCS trên phạm vi toàn quốc.
Trở lại bậc THPT, bình quân chung đậu 91,58%, có nghĩa rớt 9,42% và đây là năm tỷ lệ đậu thấp nhất, rớt nhiều nhất. Vậy có cần một kỳ thi tốn biết bao tiền bạc của cả nhà nước và nhân dân, bao công sức và giấy mực chỉ để “tìm ra” chưa tới 10% số học sinh không đủ điều kiện để tốt nghiệp, thay vì có một giải pháp khác? Ngành giáo dục có cả một hệ thống quản lý, hệ thống nhà trường phủ khắp đất nước và cả một hệ thống giáo dục, đánh giá chi tiết, cụ thể trong nhà trường, thậm chí cụ thể đến từng môn học, bài học. Thế nhưng để tìm ra số ít học sinh không đủ điều kiện ấy lại cần một kỳ thi mà hằng năm phải kéo theo hơn 90% số học sinh còn lại vào cuộc. Đó là chưa kể gia đình, người thân của hơn 90% số học sinh, thậm chí các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng và cả xã hội cũng phải cùng tham gia. Một kỳ thi như vậy, có lẽ cũng chỉ có ở nền giáo dục nước ta mà thôi.
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện phổ cập THPT. Bởi một điều rất đơn giản là ngày nay, từ đồng ruộng, nương rẫy cho đến nhà máy, xí nghiệp, công sở... ở bất kỳ nơi đâu cũng cần người lao động có trình độ văn hóa tối thiểu phải “phổ thông”, không còn là trình độ “cơ sở” được nữa. Nhưng trước khi nghĩ tới phổ cập THPT thì ngành giáo dục cần phải tìm ra giải pháp để không phải tổ chức một kỳ thi mà cả triệu học sinh phải vào cuộc chỉ để tìm ra chưa tới 1/10 học sinh phải “hẹn kỳ thi tốt nghiệp năm sau”. Quan trọng hơn là phải tạo được tâm lý, thói quen cho cả xã hội nhận thức rằng, học xong THPT, có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT là chuyện đương nhiên, là điều kiện tối thiểu trước khi vào đời.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065