Khiêm tốn khi nói về bản thân nhưng ở Trang lại toát lên vẻ tự tin, dễ gần khiến người tiếp xúc rất thiện cảm. Đang học năm 3 Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Trang đã có những hoạch định rõ ràng cho tương lai: “Em sẽ luôn cố gắng để dành sự chăm sóc, quan tâm nhiều nhất cho trẻ khuyết tật sau khi tốt nghiệp đại học”.
TAI HỌA BẤT NGỜ
Huyền Trang sinh ra ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Năm lên 3 tuổi, cha mẹ rời Đồng Nai đến huyện Bù Đăng lập nghiệp. Kết thúc học kỳ 1 năm lớp 3 thì mắt Trang không nhìn thấy nữa nên cha mẹ đã đưa Trang đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chữa trị. Bác sĩ chẩn đoán Trang bị bệnh viêm màng bồ đào tích đồng tử. 10 ha rẫy của gia đình đã được cha mẹ Trang bán dần, nhưng vẫn không cứu được đôi mắt của con.
Nguyễn Thị Huyền Trang (thứ 3 từ phải qua) đoạt giải nhất song ca trong hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn tỉnh lần thứ 1/2014
Mất đi đôi mắt là mất đi sự giao tiếp với thế giới bên ngoài. Có người đã tuyệt vọng, buông xuôi và suy nghĩ tiêu cực. Nhưng Trang thì khác, dù mắt không nhìn thấy nhưng cô lại rất muốn được cắp sách tới trường. Nước mắt đọng nơi khóe mắt, giọng nói lạc đi vì xúc động, chị Trương Thị Thu Hà, mẹ Trang nhớ lại: Sau nhiều lần cha mẹ đưa đi khắp nơi chữa bệnh, Trang đã khóc và nói: “Cha mẹ đừng đưa con đi nữa. Bệnh của con không chữa được đâu. Cha mẹ cho con đi học thôi, con nhớ trường, nhớ bạn lắm!”.
Thương con, thấy con khát khao được học chữ, cha mẹ đã cho Trang theo học tại Mái ấm Nhật Hồng ở phường 19, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh). Ở đây, không chỉ nuôi trẻ khiếm thị mà còn tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Trang đi học xa, cha mẹ ở nhà làm rẫy vẫn canh cánh nỗi lo cho con.
NUÔI ƯỚC MƠ
Mùa Xuân năm nay đến với Huyền Trang không chỉ ở đất trời mà còn ở lòng người. Đúng ngày tết Dương lịch vừa qua, Huyền Trang đã lên xe hoa với một chàng trai khiếm thị tại TP. Hồ Chí Minh. Mùa Xuân này, Trang đã có thêm chỗ dựa vững chãi để thực hiện những ước mơ đẹp của mình hướng tới tương lai tươi sáng hơn. |
Năm 2002, Trang được các sơ ở Mái ấm Nhật Hồng cho đi học chữ nổi tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Một năm sau, Trang về học hòa nhập tại Trường tiểu học Phù Đổng, quận Bình Thạnh. Ở đây, Trang phải học như một người mắt sáng. Ban đầu, Trang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các bạn nhìn lên bảng thì mình cúi đầu mò mẫm bảng chữ nổi đặt trên bàn. Mỗi lần như vậy Trang đều bị các bạn trêu chọc và đã khóc rất nhiều. Nhưng cũng chính sau những lần đó, Trang nhận ra rằng, mình phải quyết tâm học để khẳng định bản thân và chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật vẫn có thể vươn lên làm chủ tri thức.
Từ đó, Trang nỗ lực vượt qua khó khăn, có thể các bạn khác chỉ mất 15 phút để tra xong từ mới của bài đọc tiếng Anh, còn Trang phải mất gần một tiếng nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành đầy đủ bài tập. Không nhìn được nên Trang phải dùng tay và tai để cảm nhận. Những môn học đòi hỏi phải kết hợp cả tư duy và trực quan như hình học thì Trang xin cô cắt dán hình nổi để cảm nhận qua tay. Sự tận tình của thầy cô giáo đã từng bước giúp Trang hiểu bài và thêm thích thú với các môn học khó. Mỗi khi làm sáng tỏ ra được điều mình trăn trở, Trang rất vui.
VÀ TRÁI NGỌT
Sự nỗ lực không ngừng của cô học trò khiếm thị đã được đền đáp khi suốt chặng đường hòa nhập ở các trường tiểu học, THCS và THPT, Trang đều đạt học sinh giỏi. Nhờ thành tích này mà Trang được Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh nhận vào học tại khoa Ngữ văn Anh.
Năm 2012, bước chân vào ngưỡng cửa đại học với môi trường mới, sinh viên tự nghiên cứu là chính khiến Trang càng phải nỗ lực nhiều hơn. Tại ngôi trường này, Trang nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô và bạn bè. “Em không thể nào quên ngày đầu tiên nhập học, được nghe thầy cô nói rằng, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, em hãy cố gắng học tập thật tốt để mai này trở thành một công dân có ích cho xã hội. Lúc đó em không thể cầm được nước mắt” - Trang chia sẻ.
Chị Trương Thị Thu Hà - mẹ Trang luôn làm điểm tựa cho con
Vào đại học, với cơ thể gầy yếu nên Trang đã đến xin học bơi ở quận Tân Bình để rèn luyện sức khỏe. Được sự hướng dẫn tận tình của các huấn luyện viên, Trang chăm chỉ luyện tập. Năm 2013, Trang đã “liều” thử sức ở hội thao Người khuyết tật toàn quốc. Bất ngờ, cô ẵm về 2HCB, 1HCĐ ở các nội dung thi 200m bơi tự do, 100m bơi ếch nữ và 50m bơi ếch nữ. Hội thao Người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần thứ 2, năm 2014, Trang đoạt HCĐ môn điền kinh tự do. Không chỉ giành nhiều thành tích về thể thao, Trang còn có giọng hát hay. Trang đã đoạt giải nhất tiết mục song ca trong cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật tỉnh lần thứ 1, diễn ra vào tháng 10-2014. Tuy bận học nhưng Trang vẫn thu xếp ngày cuối tuần để đi hát gây quỹ từ thiện do Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức.
Nói về mục đích, ước mơ trong cuộc sống, Trang cho biết: “Em muốn trở thành cô giáo để dạy học sinh khiếm thị, thiếu may mắn như em”.
Vẫn biết con đường vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật để đến với ánh sáng tri thức sẽ còn nhiều vất vả, gian nan, nhưng với niềm tin và nghị lực của sinh viên khiếm thị Nguyễn Thị Huyền Trang tin rằng ước mơ của em sẽ sớm trở thành hiện thực.
Thanh Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065