Thái sư Trần Thủ Độ là người có công sáng lập và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần. Ông sinh tại làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau khi Trần Tự Khánh (anh em cùng họ với Trần Thủ Độ) chết (1223), Trần Thủ Độ thực sự là người thay thế nắm quyền trong triều đình. Đối với nhà Lý, ông tỏ ra còn cứng rắn hơn Trần Tự Khánh.
Năm 1224, ông được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ. Vua Lý Huệ Tông và vợ, tức chị họ ông, là Trần Thị Dung có 2 con gái, người em tên là Phật Kim, được phong là công chúa Chiêu Thánh. Ông ép Huệ Tông bỏ ngôi lên làm thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Phật Kim, tức là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi.
Sau đó, ông đưa con Trần Thừa là Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông), mới 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để chuyển ngai vàng sang họ Trần vào cuối năm 1225. Nhà Trần thay nhà Lý bởi tay Trần Thủ Độ. Nhà Trần thành lập, ông được phong là Thống quốc thái sư, lo toan mọi việc cho triều đình nhà Trần.
Trần Thủ Độ tuy không đỗ đạt khoa cử nhưng mưu lược hơn người, ông không chỉ là quyền thần nhà Lý mà là quyền thần của ngay nhà Trần. Cho đến ngày nay, giai thoại về ông vẫn còn được lưu truyền về lòng trung thành, ngay thẳng và những giai thoại dưới đây là minh chứng.
Chuyện thứ nhất: Trần Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Trần được mọi người suy tôn, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông và người này đã vào gặp vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh), vừa khóc vừa nói rằng: Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao? Nghe xong, vua Trần Thái Tông lập tức đến dinh Thủ Độ và bắt cả người đàn hặc ấy đem theo rồi nói hết những lời người ấy cho Thủ Độ biết. Trần Thủ Độ trả lời: Đúng như những lời hắn nói. Rồi sau đó, ông lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.
Chuyện thứ hai: Linh từ quốc mẫu (vợ của Trần Thủ Độ) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu trong cung ngăn lại. Khi về tới dinh, bà vừa khóc vừa nói với Trần Thủ Độ: Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế! Thủ Độ tức giận, sai đi bắt, vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa. Nói xong, ông sai người lấy vàng và lụa thưởng rồi cho về.
Chuyện thứ ba: Trần Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người cháu làm câu đương (một chức dịch nhỏ ở cấp xã). Trần Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, ông hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ bảo hắn là người được quốc mẫu xin cho. Thủ Độ nói: Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm câu đương thì không thể ví với những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt. Nghe vậy, người đó kêu van xin thôi mãi ông mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm xin xỏ việc riêng nữa.
Chuyện thứ tư: Vua Trần Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: An Quốc là anh thần, nếu bệ hạ cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng thì việc triều đình sẽ ra sao? Vua nghe theo bèn thôi.
Từ bốn giai thoại trên cho thấy: Ở chuyện thứ nhất nói về tính thẳng thắn, minh bạch, nhìn thẳng vào sự thật, đã làm gì thì chịu trách nhiệm với việc mình làm, không thèm chối dù có làm chuyện tày đình như “lấn cả quyền vua”. Chuyện thứ hai là nói về tinh thần tôn trọng pháp luật, nhất là pháp luật ấy lại do mình ban ra, “pháp bất vi thân”, không thể vì người thân mà vi phạm. Chuyện thứ ba là biện pháp trị những anh “con ông cháu cha” bất tài vô tướng, chỉ biết bám vào người nhà để tiến thân thì cách trị của Thủ Độ tuy mới chỉ là dọa thôi mà đã có hiệu quả. Chuyện thứ tư là sự tự tin thẳng thắn về sử dụng người tài, không “gia đình trị”, giỏi thì nói giỏi, không câu nệ hay khiêm tốn giả vờ.
Lời bàn:
Trần Thủ Độ quả là một nhân vật khổng lồ của lịch sử phong kiến Việt Nam ở thế kỷ 13. Chỉ với bốn giai thoại trên cũng đã quá đủ để hậu thế phải kính nể và tôn vinh ông bởi những phẩm chất lớn của một chính khách. Đối với quốc gia Đại Việt thời ấy cũng như những thập niên về sau, thì những việc làm của Trần Thủ Độ đóng vai trò to lớn giúp nhà Trần bình phục được giặc giã trong nước, làm cho Đại Việt bấy giờ được cường thịnh trở lại sau hồi suy yếu cuối thời Lý. Đây cũng chính là cơ sở giúp nhà Trần đủ sức lực và tinh thần để ba lần đại thắng đế quốc phong kiến Nguyên - Mông.
Theo sử cũ thì chính quyền của nhà Trần là chính quyền của quý tộc họ Trần. Chính quyền ấy cho phép con em các quý tộc được quyền sống dựa vào uy danh và bổng lộc của cha ông. Song, sau khi đọc xong những mẩu chuyện trên về Trần Thủ Độ, liệu có ai dám bảo rằng con cháu ông sẽ dựa hơi ông để ức hiếp người đời! Tiếc thay lịch sử không dạy khôn cho người thời nay được bao nhiêu. Bởi nếu hậu thế thời nay ai ai cũng học theo cách tuyển người của Trần Thủ Độ thì có lẽ trong xã hội sẽ có không biết bao nhiêu người với một bàn chân chỉ có 4 ngón.
V.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065