“Giải cứu nông sản” là hành động được nhắc đến nhiều những năm gần đây. Khi nhìn nhận đầy đủ, toàn diện, đã có những khía cạnh khác nhau về sự giải cứu ấy, thậm chí đối lập nhau. Nhiều nông sản từng được “giải cứu”, trong đó có cả dưa hấu của nông dân giống như ở Gia Lai. Tại Bình Phước, gần đây nhất là hồ tiêu. Giá hồ tiêu lao dốc khoảng 5 năm qua, từ vụ năm 2018 giá trị đã xuống ngang với giá thành, thậm chí thấp hơn giá thành. Điều đó đồng nghĩa nông dân trồng tiêu chỉ huề vốn hoặc lỗ vốn chứ không thể có lãi. Mùa thu hoạch tiêu, giá xuống thấp, thu về không đủ chi phí thu hoạch, nhiều gia đình đã bỏ mặc vườn như vườn hoang. Và từng có những tấm lòng hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu trong lúc khó khăn...
Nhưng những câu chuyện giải cứu ấy không phải là câu chuyện của dưa hấu trên đường An Dương Vương. Giá nông sản cao hay thấp, thậm chí thấp dưới giá thành hay không... là bài toán kinh tế của ngành nông nghiệp và của chính mỗi nhà nông. Bài toán của ngành nông nghiệp không chỉ tìm ra lời giải phòng chống sâu bệnh, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao mà còn phải có đáp án cho đầu ra tiêu thụ sản phẩm ấy và cân đối được cung - cầu. Sao cho không để nông dân lao vào vòng xoáy lợi nhuận, lúc không có sản phẩm để bán, lúc lại dư thừa không biết đổ đi đâu. Còn với mỗi nhà nông, đó cũng là bài toán không dễ và cần lắng nghe khuyến cáo của 2 “nhà” khác là nhà quản lý và nhà khoa học. Khi diện tích cả nước chạm ngưỡng quy hoạch 50 ngàn héc ta, liên tiếp cảnh báo không nên mở rộng diện tích hồ tiêu được đưa ra vì dẫn tới cung vượt cầu. Nhưng hàng chục ngàn hộ nông dân vẫn lao vào trồng, đẩy diện tích hồ tiêu cả nước lên gấp 3 lần quy hoạch. Hậu quả là từ “vàng đen”, hồ tiêu trở thành nông sản khiến nông dân “vàng mắt”. Đó là canh bạc nhà nông đã thua khi lóa mắt trước lợi nhuận cùng mong muốn trở thành tỷ phú chỉ sau 2-3 mùa thu hoạch.
Những bài toán hay canh bạc này do chính mỗi nông dân và ngành nông nghiệp lựa chọn. Còn với dưa hấu trên đường An Dương Vương không phải là câu chuyện ấy. Bởi đó là câu chuyện của tình huống bất khả kháng, là câu chuyện của dịch bệnh toàn cầu, như bị thiên tai giáng xuống. Dưa hấu và nông dân ở Gia Lai rất đáng được giúp đỡ. Và câu chuyện ấy đã đẹp hơn khi nó được mua bởi một người giấu tên, lại dành để phát miễn phí cho người có nhu cầu chứ không phải để bán. Cạnh đó có một chiếc thùng xốp cũ nhận tiền ủng hộ từ thiện, bỏ hay không và bỏ bao nhiêu tùy tâm. Có người cho rằng, đã làm thì làm cho trọn, không nên có cái thùng xốp kia. Nhưng như thế quá khó. Nguồn lực lớn bao nhiêu cũng có giới hạn. Muốn giúp đỡ được nhiều người cần sự chung tay của nhiều người chứ đơn lẻ thì không thể.
Sau dưa hấu trên đường An Dương Vương, có lẽ (và mong rằng) sẽ có nhiều câu chuyện khác tương tự với những nông sản khác, sản phẩm khác, lĩnh vực sản xuất khác bị kẹt giữa đại dịch corona. Thời điểm này là lúc cần cộng đồng nắm tay nhau vượt qua khó khăn hơn lúc nào hết.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065