VNTTX - Những ký ức thân thương
Mùa Thu năm 2014, tiếp phóng viên TTXVN trên một căn gác nhỏ có cửa sổ trông sang vườn hoa Hàng Ðậu, nữ nhà báo ngoài tám mươi tuổi vừa trải qua một đợt mổ não, tay run run giơ bức ảnh bà chụp cùng nhà báo Leo Figuères của Ðảng Cộng sản Pháp cùng một số đại biểu tại Ðại hội Phụ nữ lần thứ nhất, Việt Bắc năm 1950. Chuyến công tác này rất đặc biệt, vì đó là lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ và nhiều đại biểu nữ đang chiến đấu và công tác ở các vùng miền.
Kỷ niệm ùa về, đưa bà trở lại tuổi đôi mươi, từ năm 1949, khi chập chững bước vào nghề, với chuyến công tác đầu tiên khi còn ở Việt Bắc, được dặn dò về nội dung công việc, những điều cần chú ý khi tiếp xúc với đồng bào địa phương, kinh nghiệm đi đường, cách đối phó với thú rừng… Ðó là những chuyến đi dài ngày, mỗi ngày đi bộ 40 cây số mới nghỉ, chân nứt toác, trời nắng gắt vẫn cố bước mau, quên cả đau vì mải chuyện, mải hát. Ðó còn là những buổi trao đổi nghiệp vụ thẳng thắn, bất phân thắng bại nhưng đầy tính xây dựng. Là những chuyến đi “ba cùng” với bà con nông dân…
Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Hiệp định Geneva bị phá hoại, những người yêu nước ở miền Nam bị đàn áp. Ðồng bào ta buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến lần thứ hai chống Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lúc này, VNTTX thành lập bộ phận tin Miền Nam (sau là phòng tin Miền Nam) do bà Dương Thị Duyên phụ trách.
Khó khăn ban đầu là nguồn tài liệu. Bà chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi chủ yếu phải dựa vào báo chí nước ngoài, báo chí công khai xuất bản ở Sài Gòn và các vùng địch chiếm, tin tức của phóng viên phương Tây hoạt động ở miền Nam. Về sau, chúng tôi tiếp cận được một số nguồn tin nội bộ, khai thác một số báo cáo của ta gửi từ miền Nam qua đường dây của một số cơ quan quân đội và Ban Thống nhất Trung ương. Khi một số phóng viên của Thông tấn xã được cử đi B và tháng 10/1960, Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) ra đời, nguồn tin về cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam chống Mỹ-ngụy gửi về Tổng xã ngày càng phong phú.
Thời điểm này, với tinh thần “sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt,” bà cùng với anh chị em trong phòng luôn cố gắng, không quản ngại khó khăn, đồng cảm sẻ chia với cuộc sống kham khổ đầy hiểm nguy nhưng tràn đầy lạc quan, tin tưởng của đồng bào, đồng chí ở miền Nam.
Nữ phóng viên Việt Nam duy nhất tại Hội nghị Paris
Hội nghị Paris về Việt Nam, cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ 20 ở Thủ đô nước Pháp bắt đầu từ giữa tháng 5-1968. Nhà báo VNTTX Dương Thị Duyên là nữ nhà báo Việt Nam duy nhất hoạt động trong phái đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy dẫn đầu.
Thời điểm này, Việt Nam trở thành tâm điểm số 1 trên các báo ở Paris cũng như toàn thế giới. Tranh thủ lợi thế đó, bà khai thác thông tin, làm tin phổ biến, tin tham khảo, hàng ngày gửi về Tổng xã và phục vụ công tác nghiên cứu của Ðoàn. Nhờ cách hành xử thận trọng và chuyên nghiệp, bà đã tranh thủ được cảm tình của nhiều phóng viên quốc tế, tạo quan hệ gần gũi, tin cậy với những người có nhiều tin quan trọng, “tìm cơ hội ‘moi’ tin tức của họ mà vẫn chú ý thận trọng để không bị lộ tin tức bí mật của mình,” như bà "bật mí."
Ngoài việc làm báo, bà còn làm tốt những nhiệm vụ khác được giao. Từng được Bộ trưởng Xuân Thủy miêu tả là một nữ nhà báo duyên dáng với “đôi mắt dao cau, phượng hoàng,” lịch thiệp và thân thiện, trình độ tiếng Pháp tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về tình hình miền Nam Việt Nam, bà được Bộ trưởng tin cậy giao cho nhiệm vụ diễn thuyết về Việt Nam tại các cuộc hội thảo, míttinh của Việt kiều, của phụ nữ và nhân dân ở Paris và các thành phố lớn của Pháp cũng như một số nước lân cận...
Nhớ lại quãng thời gian sôi động này, bà chia sẻ: "Ðược tham gia Hội nghị Paris là dấu ấn sâu sắc nhất trong quãng thời gian gắn bó với ngành thông tấn của tôi. Thời gian này, tôi cùng các đồng chí trong Ðoàn tiếp đón nhiều đoàn khách từ nhiều nước trên thế giới đến tiếp xúc, trao đổi. Chúng tôi chia nhau đi gặp gỡ, vừa để giải thích thêm lập trường, quan điểm của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, vừa để nắm thêm tình hình, tin tức báo cáo cho lãnh đạo Ðoàn."
Mùa Thu năm 1970, sau hơn hai năm ở Paris, bà Dương Thị Duyên trở về Hà Nội và được Giám đốc Ðào Tùng giao phụ trách phòng tin Thế giới. Quản lý một đơn vị phần lớn là nam giới, nhiều biên tập viên có trình độ ngoại ngữ vào loại cứng, thâm niên cao, bà không khỏi băn khoăn. Nhưng rồi khi đã nhận nhiệm vụ, bà cống hiến hết mình.
"Tôi xác định, đã nhận thì phải làm việc hết mình, khiêm tốn học hỏi, chân thành cộng tác và đoàn kết với tất cả các đồng nghiệp, phát huy năng lực và những điểm mạnh của từng người, hướng vào mục tiêu làm thật tốt các bản tin của phòng," bà chia sẻ.
Năm 1972, Mỹ leo thang ném bom miền Bắc. VNTTX một mặt cử phóng viên và đưa phương tiện kỹ thuật đi chiến dịch Xuân hè, mặt khác tổ chức sơ tán để bảo đảm tin tức không ngưng một giây phút nào. Phòng Thế giới cũng chia làm hai: Một số làm việc ở nơi sơ tán, một số ở lại làm tin tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các bản tin Tham khảo và Phổ biến của phòng Thế giới vẫn ra đều đặn. Riêng Tin Nhanh, chẳng những mỗi ngày ra mấy bản mà khi có tin quan trọng, cấp bách thì dù ngày hay đêm cũng lập tức phát ngay để kịp thời phục vụ yêu cầu nghiên cứu của lãnh đạo.
Bà nhớ lại những ngày “Ðiện Biên Phủ trên không” ác liệt đó: "Mỗi lần B52 dội bom xuống Hà Nội, tôi ôm tài liệu lao xuống hầm tiếp tục làm tin, luôn thấy chị Nguyễn Thị Mùi đánh máy ngồi gần bên cạnh, chờ tôi xong trang tin nào là lấy đi đánh máy luôn."
Chiến tranh kết thúc, phòng Thế giới được nâng lên thành Ban biên tập tin Thế giới, đánh dấu một bước trưởng thành của đơn vị. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của bà, người nữ Trưởng ban đầu tiên của cơ quan.
Nhắc đến nhà báo Dương Thị Duyên, nguyên Tổng giám đốc TTXVN Ðỗ Phượng khẳng định bà là người rất có năng lực chuyên môn, trách nhiệm cao, nhiệt tình, cởi mở và tiến bộ nên được anh chị em trong ngành quý mến.
Ông tiết lộ: Năm 1976, Ban Lãnh đạo cơ quan đã làm thủ tục xin ý kiến Trung ương đề bạt bà làm Phó Tổng giám đốc TTXVN. Tuy nhiên, do yêu cầu công tác, bà chuyển sang vị trí mới, làm Trưởng ban Quốc tế của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây thực sự là điều đáng tiếc với ngành.
Rời TTXVN nhưng không xa cơ quan, bà trở thành cộng tác viên trung thành, thường xuyên viết tin cho TTXVN về những hội nghị quốc tế mà bà tham dự trong khi cơ quan không có điều kiện cử người, hoặc ở những nước mà TTXVN chưa có phóng viên thường trú. Cái tin cuối cùng bà gửi cũng là về Hội nghị quốc tế cuối cùng mà bà tham dự - Hội nghị Phụ nữ châu Á tại Nhật Bản, năm 1992. Với bà, hơn 20 năm gắn bó với ngành thông tấn trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất của đất nước, là những năm tháng ghi dấu ấn không thể phai mờ.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065