Tuy nhiên, người viết bài đã tận mắt thấy, tai nghe nhiều về việc thiên hạ bàn tán rằng tại sao một số cán bộ có chức, quyền, khi nhận quyết định nghỉ hưu thì hẫng hụt, làm những chuyện trái khoáy... mà người đời đặt câu hỏi phải chăng những vị ấy tham quyền, cố vị?!
Cách đây khá lâu, có một vị tên Ch, là trưởng đầu ngành cấp tỉnh. Lúc “hoàng hôn”, chuẩn bị đón nhận quyết định nghỉ hưu, ông Ch đã về quê để làm lại giấy khai sinh, với mục đích lùi năm sinh để tiếp tục “phụng sự”. Tuy nhiên, khi tổ chức phát hiện đã không chấp nhận chuyện này, sau đó, thi hành kỷ luật và vẫn ban hành quyết định nghỉ hưu theo chế độ. Một vị khác nữa tên H, cũng là trưởng một đầu ngành cấp tỉnh, khi đến tuổi nghỉ hưu, dứt khoát không chịu bàn giao phòng làm việc, vì tuy nghỉ chức vụ thủ trưởng cơ quan nhưng còn chức danh bí thư chi bộ cơ quan nên chưa thể giao phòng làm việc. Sau đó, “long thể bất an”, tinh thần suy sụp... vị này phải đi bệnh viện điều trị đến cả tháng, rồi an nghỉ trong tiếng trống! Còn nữa, có 2 vị tên H và tên T cũng trưởng một đầu ngành cấp tỉnh, khi rục rịch nghỉ hưu đã triệu tập một cuộc họp cơ quan, rồi chỉ đạo lấy ý kiến và phiếu tín nhiệm của cán bộ, nhân viên với lý do thủ trưởng sức khỏe còn tốt, có năng lực công tác, lại tận tâm với công việc... nên yêu cầu tổ chức giữ lại để đảm nhiệm chức vụ một thời gian nữa. Đương nhiên, sự “tự nguyện cống hiến” của các vị cán bộ này không được tổ chức và tập thể đơn vị chấp nhận.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về “bí quyết sống khỏe” nói: “...Trong cuộc đời có chức danh, thì nên tạo cho mình một thói quen rằng khi lên thì bị động mà khi xuống nên chủ động. Khi lên chức sẽ bị động vì đó là do sự sắp xếp của tổ chức. Còn khi xuống chức thì mình phải chủ động. Đặc biệt là tuổi hưu đã được quy định rõ ràng. Thậm chí còn nên chủ động đón nhận quyết định nghỉ hưu như là một sự ưu ái của Đảng, Nhà nước dành cho những người có công. Bên cạnh đó, để việc nghỉ hưu trở nên nhẹ nhàng thì khi đương chức, mình phải sống sao cho thật bình dân, gần gũi với mọi người, thân thiện với quần chúng để khi về hưu mới có thể duy trì được phong cách đó. Do vậy, khi có chức quyền phải chọn cách sống thế nào để khi về hưu sẽ là một bước chuyển tiếp rất nhẹ nhàng...”.
Theo quan điểm số đông, những người sắp đón nhận quyết định nghỉ hưu, cho dù là cán bộ lãnh đạo, quản lý hay nhân viên bình thường nên chuẩn bị tâm thế, tư tưởng từ một vài năm trước, vạch lộ trình cho bản thân về công việc, thời gian, tài chính... và những việc trọng đại cần giải quyết trong quãng đời còn lại. Rất cần sự an nhiên, tự tại, cân bằng trong cuộc sống để gìn giữ sức khỏe; bình tĩnh chiêm nghiệm lại những gì bản thân đã làm được, các khuyết điểm lúc công tác chưa kịp nhận ra để suy ngẫm, chia sẻ cùng bạn bè, người thân và lấy đó là bài học trong cuộc sống, tiếp tục làm những điều thật có ích cho gia đình, dòng họ, khu dân cư, xã hội. Có như thế mới thuận với quy luật muôn thuở: “Tre già măng mọc”, thế hệ sau gánh vác, kế tục sự nghiệp thế hệ trước, người cao niên vui vầy với cháu con, làm “cây cao bóng cả”, điểm tựa cho lớp trẻ học tập, phấn đấu vươn lên, xây dựng nước nhà giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh... theo di nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Thanh Vũ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065