BP - Theo sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, mất năm 1947. Cụ có tên chữ là Giới Sanh, hiệu Mính Viên hay đôi khi được viết là Minh Viên. Cụ là một chí sĩ yêu nước, từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (giai đoạn từ ngày 31-5 đến ngày 21-9-1946), trước đó cụ từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường gọi cụ bằng tình cảm gần gũi - cụ Huỳnh.
Theo tên chữ Hán trên trang bìa quyển “Tập diễn - văn của ông Hoàng - Thúc -Kháng”, in năm 1926 thì đúng ra đọc và viết tên cụ phải là Hoàng Thúc Kháng. Tuy nhiên, do kiêng húy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng nên họ Hoàng của cụ phải đổi thành Huỳnh. Đến nay, các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Huỳnh. Tuy vậy, vẫn có sách dùng Hoàng Thúc Kháng.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh internet
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Cha là cụ Huỳnh Văn Phương, tự Tấn Hữu, xuất thân nhà nông hào nhưng cũng học qua Nho học, nhiều phen thi cử nhưng không đỗ. Mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Tình, người làng Hội An nhưng cư ngụ làng Phú Thị (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), em ruột Phó bảng Nguyễn Đình Tựu. Ngày nay, người dân vùng Tiên Phước vẫn còn truyền tai nhau những giai thoại đáng khâm phục về cụ.
Chuyện kể lại rằng, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Huỳnh Hanh (về sau, trong khoa thi hương năm Canh Tý 1900 đổi tên thành Huỳnh Thúc Kháng) đã nổi tiếng là người có trí nhớ đặc biệt. Huỳnh Hanh bắt đầu đi học từ năm 8 tuổi. Nhà nghèo, không sách, nhưng nhờ thông minh, đọc sách nào thì nhớ quyển ấy. Năm lên 11 tuổi, theo học với người cậu là Tế tử Nguyễn Đình Tựu, Huỳnh Hanh học thuộc rất nhanh các sách cậu dạy.
Vào một hôm cuối đông, cũng như nhiều nhà khác, gia đình Huỳnh Hanh bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phụng chuẩn bị đón xuân. Để trong nhà thêm vẻ khang trang, cụ Huỳnh Tấn Hữu đưa tiền nói Huỳnh Hanh tới chợ huyện mua một cuốn lịch về treo. Hanh vâng lời cha đi từ sáng sớm, mãi tới trưa mới về nhưng trong tay không có tờ lịch nào mà chỉ toàn tranh ảnh tứ quý. Thấy con không làm theo lời mình dặn, cụ Huỳnh Tấn Hữu giận lắm. Đoán biết ý cha, Hanh thưa trước: “Thưa cha, con đã sẵn một tấm lịch cho cha”. Nói xong, Hanh vào bàn lấy giấy cắt xén ngay ngắn rồi chăm chú viết lại y như cuốn lịch mà cậu đã xem kỹ trong một tiệm bán hàng tết ở chợ.
Càng lớn trí nhớ của Huỳnh Thúc Kháng càng tuyệt vời. Trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, cụ Đào Duy Anh nhận xét rằng: “Trí nhớ của cụ (tức Huỳnh Thúc Kháng) thì đặc biệt, bài văn đọc qua 1 lần là nhớ, hỏi đến sách xưa thì cụ biết ngay rằng câu ấy, đoạn ấy là ở chỗ nào mà giở ngay ra cho người ta xem”. Nhận xét đó quả là không ngoa tý nào. Bởi vì mọi người đều biết rằng khi bị bắt đi đày ở Côn Lôn, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thủ sẵn một cuốn Lecture-languge, một cuốn từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký và một quyển ngữ pháp Grammaire.
Lúc ngồi tù ở Côn Đảo, cụ còn mua thêm cả cuốn lHistoire nationale Francaise để đem ra đọc vào những giờ nghỉ trưa, khiến cho số tù hình sự phải phàn nàn: Tụi quan to ở nhà cha mẹ cho đi học không lo học, nay ra tù học cái gì phá giấc ngủ người ta. Thế mà chỉ sau một thời gian, Huỳnh Thúc Kháng đã học thuộc lòng cả cuốn từ điển Pháp - Việt và được ra làm việc ở nhà giấy nhờ biết... Pháp văn! Điều này càng khiến số tù thường phạm lấy làm lạ, lại bảo nhau: Té ra học trong tù mà cũng làm việc nhà giấy được kìa! Từ đó, họ không mắng chửi nữa, lại có người sắm giấy bút để học.
Sau khi đọc xong cuốn “Thi tù tùng thoại” dày 272 trang (do nhà Nam Cường xuất bản năm 1951), ghi lại những sự kiện diễn ra ở Côn Lôn trong suốt 13 năm ngồi tù của Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta càng kinh ngạc trước trí nhớ phi thường của cụ. Lời cuối sách cụ ghi rõ: “Bản Thi tù tùng thoại trên chính tự tôi tai nghe mắt thấy, chép trong trí nhớ được hoàn toàn - có lầm chăng một đôi chữ”.
Lời bàn:
Là một chí sĩ giàu lòng yêu nước, thương dân, dưới ngòi bút của cụ Huỳnh Thúc Kháng, các sự kiện lịch sử, khung cảnh lịch sử... được ghi chép cẩn thận và đầy đủ. Ông tái hiện chân dung những nhân vật cùng thời một cách sống động và chân thực với đầy đủ hành trang, cá tính, nhân cách, tư tưởng và cả thơ văn! Qua tác phẩm của mình, ông công khai phê phán cái cổ hủ của phong kiến và sự bóc lột hà khắc của thực dân. Ông không chỉ đả phá lệ khoa cử lỗi thời, cổ động phong trào tân học mà còn cổ vũ con đường thực nghiệp - những công cuộc cần thiết cho sự sống của con người như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp.
Từ thực tế cuộc đời cũng như qua các tác phẩm của mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện rõ quan điểm của mình về chức năng của những người làm văn nghệ gần như là giáo dục. Nó phải là những giấc mơ, khắc khoải hoặc những nỗi căm hờn, lời oán than để người đọc đi từ khởi điểm tìm một con đường sống cho mình nói riêng, hầu bước tới con đường dân tộc. Và điều đặc biệt chỉ ở riêng cụ Huỳnh Thúc Kháng mới có, đó là quan điểm văn chương nghệ thuật còn là vị thuốc chữa bệnh tinh thần cho con người.
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065