Bạn có thể nhịn ăn nhiều ngày, thậm chí tới vài tuần cũng… còn sống, nhưng nếu nhịn khát khoảng ba ngày, chắc là… tiêu. Nước tham gia vào tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể chúng ta như tiêu hóa thức ăn, hòa tan và hấp thu các vitamin quan trọng, làm mát cơ thể, điều hòa thân nhiệt, bôi trơn các khớp, tăng thải độc chất và loại bỏ chất thải ra ngoài.
Trung bình, một người trưởng thành cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước một ngày, chưa tính lượng cung cấp qua nước canh, súp… trong bữa ăn. Với trẻ em thì lượng nước uống vào mỗi ngày được tính toán dựa vào ký lô cân nặng: 100ml/kg cho bé dưới 10kg và 1.000ml + 50ml x n (n là số ký lô) cho bé trên 10kg.
Mỗi người ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh môi trường, mức độ làm việc, tình trạng bệnh lý khác nhau sẽ có nhu cầu nước khác nhau. Chúng ta có một dấu hiệu khá tin tưởng là dựa vào màu sắc của nước tiểu để dự đoán tình trạng thiếu, đủ hay dư nước của cơ thể, vì thận là bộ phận chính để điều hòa lượng nước, giữ hằng định một lượng nước cần thiết để các hoạt động của cơ thể được tiến hành ổn thỏa.
Nếu nước nhập vào không đủ, thận sẽ giữ lại nước trong cơ thể và làm nước tiểu cô đặc có màu vàng sậm. Nếu uống quá nhiều nước thì lượng dư sẽ tăng thải làm nước tiểu trắng trong và tiểu nhiều. Tốt nhất là giữ cho nước tiểu có màu vàng nhạt khi cơ thể đủ nước. Tuy nhiên, cần chú ý tránh nhầm với những bệnh lý có bất thường ở nước tiểu như viêm gan tắc mật có biểu hiện vàng da vàng mắt, thường kèm tiểu vàng sậm, bệnh đái tháo đường, tiểu nhạt, nhiễm trùng tiểu…
Về thành phần loại nước uống hàng ngày, có thể tạm chia lượng nước này thành 10 phần, trong đó hãy uống sáu phần nước lọc (nước tinh khiết), hai phần sữa và hai phần nước trái cây, là lý tưởng nhất. Nếu bạn chơi thể thao hay làm việc ngoài trời nắng nóng mất nhiều mồ hôi, phải uống thêm nước sao cho cân nặng không giảm nhiều và nước tiểu được pha loãng đến độ vàng trong.
Các loại nước mát “nổi tiếng” như nước mía lau, rễ tranh, mã đề… uống rất ngon vì vị ngọt dịu và thơm mát, giúp thanh lọc cơ thể khi mụn nhọt, rôm sảy nhiều, nhưng không nên uống thường xuyên vì gây lợi tiểu và mất nước. Trà atisô giúp nhuận gan lợi mật tăng cường thải độc cũng có thể dùng nếu ưa thích, nhưng cũng không thể thay thế hoàn toàn nước lọc hay lượng sữa trong ngày.
Nước trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho người lớn (trẻ em không được khuyến khích dùng nước trà), nhưng không nên uống trà quá đặc vì có thể gây táo bón, thiếu máu, thiếu sắt nếu dùng thường xuyên và mất ngủ ở những người nhạy cảm. Chỉ nên dùng nước trà xanh tối đa hai-ba ly một ngày, còn lại vẫn nên uống nước lọc, sữa và ăn thêm trái cây. Các loại nước ngọt có gas, nước hương trái cây… có đá uống thật “đã khát” và thú vị, nhưng chỉ nên dùng hạn chế vì đường tinh là loại thực phẩm phải sử dụng hạn chế (dưới 20g/người/ngày), chưa kể khả năng bị nhiễm hóa chất từ đường hóa học, màu, mùi…
Các loại nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước, sau đó vẫn nên dùng nước lọc để bù nước cho cơ thể.
Như vậy đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Trẻ em dưới một tuổi, người bệnh thận, suy tim… không nên uống nước khoáng vì thận yếu không thải được những chất khoáng dư thừa, sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù…
Cách uống nước tốt nhất là uống lai rai trong ngày, không nên đợi khát mới uống. Trẻ em thường mải chơi quên uống nước, cha mẹ nên nhắc nhở, cho trẻ uống nước thường xuyên, vì trong cơ thể trẻ em tỷ lệ nước luôn cao hơn người lớn và sự thiếu nước sẽ ảnh hưởng cấp kỳ đến hoạt động và sự sống của trẻ. Người cao tuổi có thể bị mất cảm giác khát nước nên người chăm sóc phải nhớ để cho uống nước từng ít một và đều đặn trong ngày. Phụ nữ cho con bú sữa mẹ cần uống khoảng ba lít gồm nước lọc, sữa và nước canh, xúp… mỗi ngày.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065