Học nghề để xã hội bớt gánh nặng đó chính là nghị lực vượt lên số phận của vợ chồng khuyết tật Phan Văn Thạnh (1971) và Nguyễn Thị Chí (1977) ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh). Câu chuyện cảm động về mối tình qua chương trình “Âm nhạc theo yêu cầu” của Đài tiếng nói Việt Nam và vượt rào cản gia đình 12 năm mới đến được với nhau. Điều ước đầu xuân của cặp vợ chồng khuyết tật là có sức khỏe để lao động, tự lo được cho bản thân...
2.000 KM VÀ 12 NĂM CHỜ ĐỢI QUA NHỮNG LÁ THƯ
Đến thăm gia đình anh Phan Văn Thạnh - chị Nguyễn Thị Chí phải đi qua vườn cao su. Cuối năm, những chiếc lá vàng khẽ khàng rơi xếp thành thảm dưới chân người.
Nghề thợ may những ngày cuối năm tất bật, chị Chí cắt, anh Thạnh may. Hiện anh Thạnh liệt nửa người, đôi chân teo nhỏ phải ngồi xe lăn. Chị Chí tuy đi được nhưng phải có tay vịn mới bước lên được bậc gạch nhỏ. Đôi tay mềm nhỏ tỉ mẩn đường cắt nhưng không bóc nổi củ hành khi không có điểm tựa.
Khuôn mặt cả hai ngời lên niềm hạnh phúc khi tôi thắc mắc vì sao ở cách xa gần 2.000km mà ông trời xe duyên, gắn kết anh chị với nhau? Anh Thạnh kể, 12 giờ ngày cuối năm 1996, khi anh đang nằm ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát chương trình “Âm nhạc theo yêu cầu” và sau đó là lời nhắn, địa chỉ của một người con gái ở Ba Vì, Hà Nội muốn được làm quen với người cùng cảnh ngộ khuyết tật. Ngày đó không điện thoại, email, xuất viện về nhà anh viết thư kèm theo ảnh gửi Chí.
Còn Chí, khi trình thư và ảnh của Thạnh đã bị gia đình từ chối, ngăn cản. “Mẹ lo lắm, bởi người đó ở rất xa, có thật lòng với con gái mẹ không? Người Bắc kẻ Nam phong tục khác nhau, gia đình, họ hàng chàng trai có đối xử tốt khi con gái một mình trên đất khách...?!”. Chí nghĩ, mẹ và các anh chị lo đều hợp lý nhưng như duyên nợ ông trời đã gắn kết nên dù gia đình ngăn cấm cả hai vẫn thư từ hẹn ước đợi nhau. Trong suốt 12 năm, Chí cũng có một vài người con trai lành lặn ở quê dạm hỏi, nhưng chị đã thề hẹn với người con trai miền Nam ở cách xa 2.000km cùng cảnh chưa gặp mặt bao giờ. 30 tuổi, con gái quê trở thành nỗi lo của mẹ. Lúc này, mẹ cũng phải liều, Chí muốn lấy ai cứ tự do. Tin vui này nhanh bay vào Nam. Gia đình Chí chưa biết mặt chú rể nhưng lại thấy thương và thông cảm. Không mâm lễ và ngày vu quy miễn luôn cho chú rể vắng mặt. Mẹ không đủ can đảm đưa con gái vào Nam mà phải nhờ em trai và các con đưa Chí về nhà chồng.
ĐIỀU ƯỚC ĐẦU XUÂN
Anh Thạnh kể, ba mẹ là Việt kiều Campuchia hồi hương và sinh sống ở đây từ năm 1974. Gia đình có 6 người con, Thạnh thứ tư. 16 năm trước, anh bị tai nạn chấn thương cột sống khi đi làm rẫy nên gia đình đã bán hết 6 ha đất, chỉ để lại cho các con mỗi đứa 1 nền nhà. Nằm viện phẫu thuật cột sống gần 1 năm nhưng cuối cùng anh vẫn bị liệt nửa người, hai chân teo cơ phải ngồi xe lăn.
Còn Chí gia đình có 6 chị em, Chí con thứ năm. Bố mẹ kể lại, 6 tháng tuổi sau trận sốt bại liệt, tay chân Chí mềm nhũn. 6 tuổi mới chập chững biết đi nhưng Chí cũng đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Những năm tiểu học, trường chỉ cách nhà 400m nhưng hôm nào quần áo Chí cũng lấm lem vì bị té nhiều lần. Lên cấp 2 rồi cấp 3, trường xa 5km. Bước chân không vững nhưng suốt 7 năm Chí đã đi bộ đến trường với học lực loại giỏi. Năm 1995, tốt nghiệp THPT, Chí thi vào trường đại học sư phạm với mong ước trở thành cô giáo trường trẻ khuyết tật. Nhưng mơ ước đã không thành khi điểm thi chỉ thiếu 1 điểm. Anh chị khuyên ôn tập thi lại nhưng Chí nghĩ làm nghề gì cũng được và người khuyết tật phải có nghề để không là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Năm 1996, Chí học nghề may ở trường Kỹ năng nghề dành cho người khuyết tật 1 Hà Nội. 18 tháng trong trường nghề là những bài học quý nhất về nghị lực vượt qua số phận và nghĩa tình, đùm bọc, giúp đỡ nhau của những người cùng cảnh ngộ. Nhiều bạn vào trường nằm một chỗ, ngồi xe lăn nhưng đều được những người có may mắn hơn như Chí chăm sóc, giúp đỡ trong sinh hoạt...
Sau tai nạn lao động, gia đình anh Thạnh rơi xuống hộ nghèo vì không còn đất. Anh, chị đều đã có gia đình ở riêng. Thạnh sống cùng mẹ và em trai út. Không khuất phục số phận, anh cùng mẹ nuôi thỏ thương phẩm để có nguồn thu nhập. Anh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen về thành tích “Vượt khó vươn lên trong học tập và lao động”. Từ năm 2007-2010, anh dự hội nghị biểu dương “Người khuyết tật vượt khó” tại thủ đô Hà Nội (2010) và thăm Lăng Bác.
Về nhà chồng với nghề may đã có tiếng ở quê nhưng vì không có vốn và chưa tự tin nên Chí nhận hàng về may cho các cửa hiệu lớn ở trong xã và cũng để làm quen với kiểu cách ăn mặc của người Nam. 6 tháng sau, Chí mạnh dạn mở tiệm nhận hàng của bà con hàng xóm và dạy chồng may để phụ nhau. Cảm động trước nghị lực của vợ chồng Chí - Thạnh, Hội liên hiệp phụ nữ huyện đã tặng 1 chiếc máy may Senko và cho vay ưu đãi vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2010, Chí được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biểu dương, khen thưởng “Người khuyết tật vượt khó”.
Chí khoe, ngoài nghề may, vợ chồng nuôi heo và vừa xuất chuồng 10 con. Ăn tết xong họ sẽ khôi phục lại nghề nuôi thỏ. Nhờ nghề may và chăn nuôi nên căn nhà tình thương của họ mỗi năm đều được nâng cấp, tu sửa và cơi nới.
Điều ước đầu xuân của vợ chồng người khuyết tật là có sức khỏe để làm nghề và tích lũy phòng khi “trái gió, trở trời”...
Hà Phương Thảo
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065