BP - Ông bà nội sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái, nhưng chỉ chú tôi được ăn học tử tế. Hết phổ thông chú được sang học bên Tây. Thím tôi người thị xã, học cùng trường với chú, họ cưới nhau bên đó rồi mới về nước chờ phân công công tác. Chỉ nguyên chuyện đó cũng đủ khiến thầy tôi bực mình rồi. “Đũa mốc lại chòi mâm son”, rồi chú mày sẽ phải lãnh đủ! Thầy tôi thường đe như thế. Vả lại “anh cả giả cha”, thế mà thầy tôi không có cơ hội lo việc đại sự cho chú. Nhưng điều khiến thầy không chịu được ở chú là cái cách chăm lo cho thím mà không cần giữ ý giữ tứ.
Hồi chờ nhận công tác, hai người ở trong nhà tôi. Mỗi khi thím tắm, chú lại xách nước vào tận nhà tắm, chú còn dội nước cho thím gội đầu. Ban đầu thầy tôi chỉ đằng hắng tỏ vẻ khó chịu, sau thầy tôi nói thẳng: Không biết bên Tây họ dạy dỗ thế nào mà anh chị “lố lăng” đến thế! Thím tôi trố mắt không biết vì sao thầy tôi chửi lố lăng. Từ khi đi làm thím ít về, có việc hiếu hỷ chỉ chú tôi về, mà cũng chỉ về hôm trước, hôm sau đã đi. Thầy tôi buồn nhưng lại luôn gây sự với chú. Và trong những cuộc đối khẩu ấy, người nói câu cuối cùng bao giờ cũng là thầy tôi và bao giờ cũng là câu “Chú là người được hưởng lộc nhiều nhất của tổ tiên, vậy mà không biết sẻ chia, chỉ biết phụng sự một con đàn bà”.
Những tháng ngày còn ở quê, chứng kiến cảnh chú chăm sóc thím và những cuộc cãi cọ giữa chú và thầy, tôi có phần nghiêng lệch về phía chú. Ngoài việc chăm sóc thím hơi thái quá, chú chu đáo với tất cả mọi người, nhất là với thầy tôi. Những thứ chú thím mang về từ bên Tây, ai cũng có phần. Riêng thầy tôi được chú biếu một bộ áo dạ mùa đông, một đôi giày da cao cổ. Với bộ vó ấy, thầy tôi thành người oách nhất làng. Thế nhưng cái cách chú không cần che giấu sự quan tâm chăm sóc thím và việc thím cứ nghiễm nhiên nhận sự quan tâm ấy, tôi cũng thấy nó làm sao ấy. Suốt thời niên thiếu, tôi sống nơi làng quê, nơi mà mọi người vợ, người mẹ phải quần quật từ sáng đến tối vẫn chưa hết việc nhưng không bao giờ dám đòi hỏi điều gì ở những ông chồng. Thầy tôi là tuýp người điển hình mang tư tưởng phong kiến: không ăn cơm đáy nồi, không đi qua dây phơi quần áo, ra ngõ gặp đàn bà con gái thì quay trở vào. Mỗi khi nhà có việc, ít khi thầy tôi bàn bạc với mẹ mà chỉ thông báo những việc cần làm. Cũng có lần mẹ dè dặt hỏi lại một việc gì đó, thầy tôi cau mặt là mẹ nín thinh. Càng lớn, tôi càng thấy bất bình về chuyện ấy, nhưng mỗi khi tôi lên tiếng, mẹ thường mắng át đi, bảo không được hỗn với thầy.
Cho đến cái đận mẹ sốt xuất huyết, máu rỉ ra dưới chân lông, ra cả đường mũi, mà chỉ có thầy tôi ở nhà. Mấy bài thuốc dân gian như cho uống nước cỏ mực, cho ăn những củ, quả có màu đỏ, thầy làm được, riêng giặt đồ thì thầy không làm nên dù đang sốt cao, mẹ đã phải lẩy bẩy dựa tường ra giếng giặt đồ, nhưng yếu quá ngã vật ra sân giếng. May hàng xóm trông thấy, khiêng vội ra bệnh xá mới thoát chết. Thầy tôi ân hận lắm. Sau trận ốm thập tử nhất sinh của mẹ, thầy giành làm hết mọi việc trong nhà, kể cả nấu cơm, giặt đồ. Nhìn thầy tôi lóng ngóng trải áo quần ra sân giếng để chà, nấu cơm bữa sống bữa khê, mẹ tôi ứa nước mắt. Cũng sau đận ấy, thầy tôi và chú không còn cãi vã nhau về quan điểm “phụng sự đàn bà” nữa. Những lần chú về, hai anh em tự đi chợ, nấu đồ ăn, vì “chị mày không biết uống rượu nên làm đồ nhậu không ngon” - thầy tôi cười hà hà và lý luận thế. Hồi tôi đưa bạn trai về ra mắt, thầy còn kiểm tra kiến thức và khả năng phục vụ gia đình rồi mới gật đầu. Đến tận bây giờ, thi thoảng anh vẫn nhắc lại chuyện cũ. Còn tôi, những lúc vui vui thường hỏi chồng, mai mốt con gái mình dẫn bạn trai về giới thiệu, anh có “sát hạch” khả năng phục vụ gia đình của nó như thầy không? Chồng tôi trợn mắt, sao lại không!
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065