NƠI GỬI GẮM NIỀM TIN
BP - “Phòng giao dịch xã Tân Lập là đơn vị thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú. Nông dân ở đây biết tính toán làm ăn; có năm, bảy chục triệu là đem gửi ngân hàng, sau đó vay thêm để mua đất hoặc sửa chữa chuồng trại. Bên cạnh đó, chính sách cho vay của phòng giao dịch cũng khá linh động. Đặc biệt, sau khi có Nghị định số 55 của Chính phủ mở rộng đối tượng cũng như hạn mức cho vay trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn nên người dân rất phấn khởi. Nhờ vậy, phòng giao dịch không chỉ là chỗ dựa cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn là nơi để người dân gửi gắm niềm tin cũng như tiền dôi dư trong quá trình sản xuất nông nghiệp” - ông NGUYỄN TIẾN DOANH, Phó giám đốc Phòng giao dịch xã Tân Lập, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú chia sẻ.
Từ 3 con bò giống ban đầu hiện đàn bò của gia đình ông Trần Văn Hội còn 10 con sau khi đã bán được 3 con
Vợ chồng ông Trần Văn Hội và bà Nguyễn Thị Lan ở ấp 9, xã Tân Lập năm nay bước sang tuổi lục tuần, có 6 người con đã lập gia đình ra ở riêng. Năm 2012, vợ chồng ông mang sổ đất đi vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch xã Tân Lập. Cùng với vốn vay ngân hàng, gia đình bà Lan còn tích góp được 30 triệu đồng, tất cả đầu tư mua 3 con bò giống trị giá 66 triệu đồng. Số tiền còn lại vợ chồng bà trồng 2 sào cỏ. Đến cuối năm 2015, đàn bò của gia đình bà đã tăng lên 13 con. Đầu năm 2016, gia đình bà bán được 3 con bê đực thu về 80 triệu đồng. Sau khi trả nợ ngân hàng, gia đình bà tiếp tục vay 120 triệu đồng đầu tư hệ thống biogas, xây chuồng trại nuôi heo nái. Hiện gia đình bà có 4 heo nái, mỗi năm đẻ hai lứa, mỗi lứa 14 con/nái. Toàn bộ heo con, bà Lan đều bán giống với giá dao động từ 1,1-1,25 triệu đồng/con. Sau mỗi lứa, gia đình bà cầm chắc 40 triệu đồng tiền lãi nuôi heo. Cùng với đàn heo, đàn bò hiện có 6 con đang sinh sản. Mỗi năm, nguồn thu của vợ chồng đã quá tuổi lao động này không dưới 100 triệu đồng. Nhìn đàn bò đang sinh sản, bà Lan nhẩm tính, năm nay đồng vốn ngân hàng đã thật sự phát huy hiệu quả với gia đình. Vợ chồng bà đã có thu nhập mà không phải lệ thuộc vào con cái.
VÀ VỐN ĐI BUÔN
Tháng trước, chị Đỗ Thị Nga ở ấp 2, xã Tân Lập vay 700 triệu đồng từ vốn phát triển nông nghiệp - nông thôn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú. Được vay 700 triệu đồng là câu chuyện dài sau 22 năm chị tảo tần buôn thúng bán bưng hàng nông sản trên địa bàn huyện Đồng Phú.
Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tân Lập kiểm tra kho cà phê 54 tấn của chị Đỗ Thị Nga vừa mới đầu tư tích trữ từ vốn vay 700 triệu của ngân hàng
Chị Nga sinh năm 1968, quê tỉnh Thái Bình, mồ côi cha từ nhỏ. Năm 1978, chị theo mẹ vào ấp 2, xã Tân Lập lập nghiệp. Năm 1993, chị lập gia đình nhưng chưa đầy một năm người chồng đã phụ tình bỏ đi trong lúc chị bụng mang dạ chửa. Năm 1994, chị sinh con trai. Một mình phận gái vừa làm thuê, nuôi con vừa nuôi mẹ đang bệnh sỏi thận. Năm 2000, Phòng giao dịch xã Tân Lập thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Đồng Phú thành lập. Chị được vay 4 triệu đồng thuộc chương trình xóa đói, giảm nghèo. Cầm vốn vay ngân hàng, chị đến các nhà vườn mua từng kilôgam tiêu, cà phê mang về bán cho đại lý lấy tiền chênh lệch nuôi gia đình.
Lãi suất vốn vay Ngân hàng NN&PTNT hiện ở mức 7%/năm. Với mức lãi suất này, nông dân biết cách tính toán làm ăn thì hoàn toàn có cơ hội để phát triển kinh tế nông nghiệp gia đình. Mình có 10 vay thêm 20 là mua được con bò. Tận dụng từ phế thải trong nông nghiệp có thể nuôi được bò lại không mất tiền đầu tư thức ăn. Sau 2 năm, nông dân vừa trả được nợ ngân hàng vừa có con bò để làm giống. Nhờ chính sách ưu đãi lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT mà nông dân có thể thoát nghèo bền vững nếu không muốn nói vươn lên làm giàu. Nhà nông Trần Văn Hội |
Từ 4 triệu, sau 1 năm chị được vay lên 8 triệu rồi đến 10 triệu đồng để mua bán hai mặt hàng nông sản chủ lực là tiêu và cà phê. Sau 3 năm đi buôn, chị tích lũy được 150 triệu đồng mua đất trồng cao su. Năm 2014, phán đoán thị trường giá hồ tiêu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nên chị dốc toàn bộ vốn tích lũy của gia đình cùng vốn vay ngân hàng 700 triệu đồng để thu mua hạt tiêu. Kết thúc mùa tiêu năm 2014, chị đem bán được 1,5 tỷ đồng. Trả ngân hàng 700 triệu đồng, chị gửi tiết kiệm 700 triệu đồng. Niên vụ cà phê năm nay, chị rút toàn bộ tiền tiết kiệm và tiếp tục vay 700 triệu đồng để đầu tư tích trữ 54 tấn cà phê nhân.
Để thành công trong kinh doanh các nông sản, chị tự trang bị máy tính xách tay có kết nối internet để tìm hiểu giá thị trường hàng nông sản trong, ngoài nước. Nhờ vậy, suốt 16 năm kinh doanh mua bán hàng nông sản, chị luôn thành công. Chị Nga chia sẻ: “Mình đâu có họ hàng thân thích, đâu có của hồi môn để làm ăn. Nhờ đồng vốn của ngân hàng nông nghiệp mà mình có nhà, mua được đất như ngày hôm nay. Hy vọng 700 triệu đồng vốn vay của ngân hàng mình đang “đánh cược” với 54 tấn cà phê sẽ phát sinh lợi nhuận trước khi vụ mùa thu hoạch mới bắt đầu”.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065