Vườn sầu riêng 21 năm của gia đình ông Dước nằm lọt thỏm dưới triền đồi. Đường đi khó do mưa làm xói mòn, nhưng thương lái khắp nơi vẫn đổ về thu mua bởi sự thơm ngon rất riêng của “sầu riêng ông Dước”.
Ông Phan Văn Dước (trái) chia sẻ bí quyết trồng sầu riêng theo cách riêng của mình
Ông Dước nói vui: “Sầu riêng là cây nhà giàu” bởi quá trình cây phát triển rất phức tạp. Ở vùng đồng bằng Tây Nam bộ đất trũng, rễ sầu riêng ăn sâu xuống thì gặp nước mặn cây con dễ chết, vì vậy tôi chọn Bình Phước để phát triển loại cây trồng này. Sầu riêng trồng ở đây chẳng bao giờ úng nước, cây phát triển nhanh mà chất lượng trái không thua kém bất kỳ nơi nào. Vườn sầu riêng của gia đình xuống giống từ năm 1997, đa số trồng bằng hạt chứ không ghép như bây giờ. 6 năm sau, cây cho trái bói, nếm thử lứa trái đầu tiên tôi cảm nhận độ thơm, ngon, béo, ngậy không thua kém sầu riêng trồng ở Cai Lậy. Tôi mừng như bắt được vàng và bắt đầu mở rộng diện tích. Những năm đầu số lượng thu được chỉ đủ phục vụ khách hàng “sành ăn” ở Sài Gòn”.
Thông thường các vườn sầu riêng trồng lâu năm rất dễ bị sâu bệnh, ít trái, chất lượng giảm, tuy nhiên vườn sầu riêng của ông Dước vẫn bảo đảm cả về chất và sản lượng. Ông chia sẻ: “Cành nào lão hóa thì cưa bỏ và trẻ hóa bằng cách ghép chồi mới năng suất cao. Tôi thường ghép cây sầu riêng bản địa (sầu riêng hạt) với sầu riêng cơm vàng hạt lép, Mongthon, Thái... Sau khoảng 1 tháng, mắt ghép tự lành, cây sẽ phát triển bình thường. Cách ghép này giúp tạo ra giống sầu riêng có mùi vị thơm ngon, hạt lép, sức đề kháng tốt, chống được các loại sâu bệnh và gió lốc. Đặc biệt, trên 1 cây có thể cho 2-3 loại sầu riêng khác nhau mà chất lượng không giảm”.
Với ông Dước, khát vọng làm giàu chưa bao giờ tắt dù đã bước sang tuổi 67. Nhìn vườn sầu riêng tươi tốt, năm nào cũng trĩu quả, chất lượng không chê vào đâu được, ông nói: “Thổ nhưỡng, khí hậu chỉ quyết định 50% chất lượng trái, còn lại phụ thuộc vào kinh nghiệm trồng. Không phải ai trồng sầu riêng cũng cho chất lượng trái thơm ngon. Muốn cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái cao và chất lượng, nhà vườn không được sử dụng phân hóa học mà tận dụng tối đa nguồn phân trâu, bò, vừa hiệu quả vừa không tốn nhiều chi phí đầu tư”. Sầu riêng hiện là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính cho gia đình nên ông thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây. Dù căn bệnh thoái hóa khớp tuổi già khiến ông phải tháo khớp một chân, cơ thể thường xuyên đau nhức, không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng hễ phát hiện cây nào bệnh hay bị sâu hại ông đều tìm cách chữa trị tận gốc.
Ông Dước toát lên sự thanh thoát, mộc mạc, chân thành, đúng chất người con Nam bộ. “Làm nghề gì cũng vậy, chỉ khi nào thực sự tâm huyết và coi nghề như một phần cuộc sống thì mới thu về thành quả xứng đáng. Như cây sầu riêng trước nhà, thoạt nhìn ít ai biết đã từng suýt chết do gió quật bật gốc. Vậy mà tôi đã cứu và khiến nó hồi sinh để tiếp tục đâm chồi, cho trái” - ông Dước chia sẻ.
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Dước lọt thỏm giữa vườn sầu riêng, cây nào cũng đeo trái xum xuê. Tuy nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi các cấp, nhưng chẳng bao giờ ông quan tâm đến thành tích mà luôn chịu khó học hỏi và trau dồi kinh nghiệm làm vườn để cải thiện kinh tế gia đình và trên hết là vì “mê” loại cây ăn trái này.
N.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065