Năm nay tròn 70 tuổi nhưng thương binh Hoàng Xuân Cán vẫn làm việc như một lao động chính. Vợ ông cho biết: Ông gần như làm tốt tất cả công việc vườn rẫy, nhà cửa, kể cả những việc cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Vì vậy, dù có thuê lao động nhưng ông vẫn cùng họ làm việc.
Lao động cần cù và khoa học
Năm 1984, ông Hoàng Xuân Cán phục viên, lập gia đình và đi xây dựng kinh tế mới tại xã Long Hưng. Tại đây, ông làm công nhân cao su từ năm 1984-1998, sau đó xin nghỉ để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Ông Cán kể: Do có kinh nghiệm quản lý và chăm sóc vườn cây nên tôi tự mua giống cao su về ghép rồi tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu để vườn cây của gia đình phát triển cho năng suất cao. Tôi chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật cùng với kinh nghiệm bản thân vào chăm sóc vườn cây vì thấy chỉ có làm việc khoa học mới mang lại hiệu quả.
Ông Hoàng Xuân Cán áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc vườn cao su nên năng suất mủ đạt cao
Hiện vườn cao su vợ chồng ông quản lý chỉ còn 300 cây, 1 ha điều, vài chục nọc tiêu nhưng cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm. Những năm qua, vườn cao su nhà ông luôn đạt năng suất cao khiến nhiều người ao ước và thường xuyên gạ hỏi ông bán vườn. “Chỉ 300 cây cao su nhưng mỗi ngày nhà tôi thu khoảng 1,5 triệu đồng, trước đây chừng 1,2 triệu, đều đặn như vậy từ khi mở miệng cạo đến nay. Bí quyết của tôi là ở khâu chọn và ghép cây giống; chăm sóc, cải tạo đất và thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện nấm, sâu bệnh kịp thời. Còn hơn 1 ha điều già, tôi thu mỗi năm hơn 2-3 tấn, không sụt giảm năng suất nhiều qua thời gian. Với vườn điều, tôi bón phân 3 loại urê, lân, kali mỗi năm 2 lần. Khi cây chuẩn bị ra hoa tôi dọn vườn, vun lá tưới nước rồi um khói đuổi sâu, đồng thời kích thích cây ra hoa. Vì vậy, vườn nhà tôi luôn cho thu hoạch trước tết Nguyên đán, được giá nên hiệu quả kinh tế cao. Để đất rẫy có nhiều dinh dưỡng, tôi thường dọn vườn gom lá, nhổ cỏ rồi vùi xuống thành phân để tạo mùn, nhờ đó đất ít bạc màu, trồng cây gì cũng tốt” - ông Cán nói.
Tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn, vợ chồng ông trồng xen rau ngót để ăn và bán cho người dân xung quanh. Mỗi ngày ông bà cắt rau ngót bán là “đủ tiền đi chợ”. Cứ vậy quanh năm, ông Cán luôn gắn bó với vườn rẫy vì thích tự tay chăm sóc, thu hoạch các loại cây. Công việc vườn rẫy đều đặn với năng suất ổn định cho thu nhập ở mức khá, cùng lối sống giản dị đã đưa gia đình ông Cán trở thành tỷ phú.
Nuôi dạy con trưởng thành
Vợ chồng ông Cán có 4 người con, gồm 1 trai, 3 gái. Hiện các con ông đều có kinh tế khá giả, chung tay chăm sóc cha mẹ lúc cao tuổi. Các con ông cho biết, tuy nhà có kinh tế nhưng anh em ham lao động chứ không đòi hỏi cha mẹ phải có trách nhiệm. Mỗi người lập gia đình riêng đều được cha mẹ cho tài sản, nhưng nhờ học tập tấm gương của cha nên các anh em đều lao động phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nhờ vậy mới có cuộc sống ổn định như hôm nay.
Điều đặc biệt trong đại gia đình thương binh Hoàng Xuân Cán là ai cũng có lối sống cần kiệm, giản dị và yêu lao động. Hiện nay, tuy kinh tế ổn định nhưng ông Cán và các con không muốn xây nhà to hơn. Cả gia đình ai cũng bận rộn với công việc, nhưng mỗi khi có việc là các thành viên đều tập trung về nhà cha mẹ, tự giác làm việc một cách vui vẻ. Anh Hoàng Văn Tuân, con trai ông Cán cho biết: Từ nhỏ đến lớn cha tôi chưa hề đánh con roi nào hay quát mắng to tiếng. Thấy cha mẹ cần cù lao động để lo cho tương lai các con nên chúng tôi học theo mà phụ giúp. Cha tôi thương con nhưng rất nghiêm khắc. Nhờ cái “uy” của cha nên chúng tôi mới trưởng thành.
Là thương binh, được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng ông Cán luôn cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, không ỷ lại. Là hội viên người cao tuổi, ông luôn rèn luyện để đạt tiêu chuẩn “tuổi cao, gương sáng”, từ đó làm gương cho con cháu. Ông còn giúp đỡ đồng đội khó khăn, đóng góp quỹ tiếp bước học sinh nghèo học giỏi. Ông được UBND huyện Phú Riềng chứng nhận là người công dân kiểu mẫu.
Ông Bùi Duy Bạch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Hưng cho biết: Xã có 270 hội viên thì thương binh Hoàng Xuân Cán là 1/70 hộ cựu chiến binh có mức sống giàu; 196 hộ có mức sống khá và 3 hộ khó khăn, 1 hộ cận nghèo, không có hộ nghèo. Ông Cán là gương điển hình bởi không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn phát triển kinh tế giỏi, nuôi dạy các con trưởng thành và sống có tình, có nghĩa với xóm làng. Đồng đội nể phục ông nhất là ý chí và nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, dù tuổi cao nhưng vẫn hăng say lao động, có ý thức xây dựng quê hương.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065