BÉN DUYÊN VỚI HOA HỒNG NGOẠI
Trần Văn Quý sinh ra và lớn lên tại xã Phước Sơn - một vùng quê nghèo của huyện Bù Đăng, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thấy các em nhỏ nơi đây chịu nhiều thiệt thòi từ cái ăn, cái mặc đến cái chữ nên Quý quyết tâm trở thành thầy giáo.
Năm 2010, Quý thi đậu Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Lịch sử. Năm 2014, Quý ra trường nhưng loay hoay mãi vẫn không xin được việc làm đúng ngành nghề đào tạo. “Lúc đó, em hụt hẫng lắm, bao nhiêu tâm huyết, dự định không thực hiện được. Chán nản, em làm hồ sơ xin làm công nhân tại khu công nghiệp, nhưng tiếc công sức 4 năm ăn học trong khi gia đình có 2,5 ha rẫy trồng cây ăn trái, tiêu, điều đang cần lao động. Vì vậy, em quyết định về nhà phụ giúp gia đình”. Quý còn thuyết phục cha mẹ mở thêm tiệm internet gần nhà nhằm tăng nguồn thu nhập lúc nông nhàn. “Trong một lần lên mạng, thấy các nhà vườn trồng hoa hồng ngoại ở Sa Đéc (Đồng Tháp) tuyển cộng tác viên nên em đăng ký vừa để kiếm thêm thu nhập vừa học hỏi kinh nghiệm. Đây là công việc mới nên em gặp nhiều khó khăn bởi hồng ngoại có nhiều loại, mỗi loại có đặc tính khác nhau, để hiểu và phân biệt chúng cần phải có thời gian. Em chỉ phân phối trên mạng, khi nào có người đặt mới báo nhà vườn chuyển cây nên thi thoảng bị khách hàng phàn nàn vì cây giao không đạt yêu cầu, cây bị chết, phom hoa không chuẩn. Vì vậy, cuối năm 2017, em bỏ tiền túi nhập hoa về tự trồng, chăm sóc, nhân giống và bán” - Quý kể về quá trình khởi nghiệp của mình.
Trần Văn Quý đang tỉ mỉ cắt tỉa vườn hồng ngoại của mình
Hiện vườn hồng của Quý có trên 1.000 chậu với hơn 60 loại hoa, trong đó chủ yếu hồng ngoại và một số loại hồng cổ như Hải Phòng, Sa Pa, Quế Son... Ngoài sưu tầm, chiết cành, nhân giống, mỗi tháng Quý bán từ 250-300 chậu hoa. Từ vườn hồng đã mang về thu nhập cho Quý gần 150 triệu đồng/năm. Quý cho biết, so với một số loại hoa hồng trong nước thì hồng ngoại khó trồng hơn nhiều bởi những khác biệt về khí hậu, đất đai. Do đó, để cây phát triển tốt cần điều chỉnh lượng nước, ánh nắng phù hợp, bón đủ phân. Với vườn của mình, em chủ yếu bón phân bò và phân NPK. Ngoài ra, phải phun thuốc theo định kỳ, phù hợp từng mùa cũng như thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây. Bên cạnh đó, thường xuyên cắt tỉa cành già, lá úa, dọn dẹp vườn hồng sạch sẽ để hạn chế sâu bệnh. Khi chiết cành, cần chọn những cành khỏe, đẹp, vừa mới tàn hoa khoảng 3-4 ngày. Sau khi bó bầu khoảng 3 tuần thấy rễ trắng xuất hiện thì cắt xuống trồng vào bầu đất.
“Ngày nay, đời sống được nâng cao, nhiều người có xu hướng chơi hoa, cây kiểng, nhất là với hoa hồng như một thú vui quý phái. Tuy nhiên, hồng có nhiều dạng: leo, thân gỗ, bụi, bon sai. Để có một cây hồng đẹp, phát triển tốt không chỉ đòi hỏi người chơi phải khéo léo, tỉ mỉ mà cần có niềm đam mê để những gốc hồng có sự hài hòa, cân đối của tàn lá và kết hoa sặc sỡ” - Quý cho biết thêm.
NẶNG TÌNH VỚI NGHỀ GIÁO
Là ông chủ của vườn hoa hồng ngoại có giá trị lớn, thế nhưng Quý vẫn luôn nặng tình với nghề giáo. Đã 3 năm nay, thành thông lệ, cứ đến dịp hè người dân xã Phước Sơn lại thấy chàng thanh niên có nước da ngăm đen đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em nhỏ đến điểm lẻ Bù Sa thuộc Trường tiểu học Phước Sơn để ôn tập kiến thức văn hóa và tham gia các trò chơi vận động miễn phí.
“Ở đây cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ngày hè, các em thường lên rẫy phụ giúp cha mẹ nên nhiều phụ huynh không muốn cho con tham gia lớp học. Những trường hợp như vậy, em thường đến tận nhà để thuyết phục. Thậm chí nhiều em đến lớp không có tập, viết, em phải bỏ tiền túi để mua cho các em” - Quý chia sẻ. Năm nào cũng vậy, lớp học hè của thầy Quý có từ 30-50 em với đủ lứa tuổi ở khối tiểu học, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Lớp học 2 buổi sáng, chiều vào các thứ 3, 5, 7 trong tuần với 3 môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Dự kiến hè này, lớp có khoảng 30 em theo học. Chương trình ôn luyện năm nay sẽ có nhiều đổi mới, ngoài ôn tập văn hóa bổ sung kiến thức. Được biết, hè này Quý sẽ phối hợp đoàn thanh niên xã lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua như xâm hại tình dục ở trẻ em, tai nạn đuối nước...
“Ở vùng quê nghèo, người dân nặng gánh mưu sinh nên trẻ em thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích trong những ngày hè. Trong khi trên địa bàn có nhiều suối, hồ, đập tích trữ nước nên tiềm ẩn rủi ro tai nạn thương tích rất cao, em chỉ mong các em nhỏ nơi đây có một mùa hè vui khỏe, bổ ích và an toàn” - Quý nói về kế hoạch mùa hè của mình.
Xuân Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065