Thói thường, có yêu thì mới ghen. Các nhà thơ là ngoại lệ chăng? Bởi họ suốt ngày tơ lơ mơ với “nàng thơ” kia mà? Không, họ cũng ghen tuông như thường. Bằng chứng, nhà thơ Nguyễn Bính còn ghen với chuyện tưởng chừng lãng xẹt: “Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ/Ðừng làm ẩm áo khách chưa quen/Chân cô in vết trên đường bụi/Chẳng bước chân nào được dẫm lên”. Làm người tình, người bạn đời của kẻ hay “ghen bóng ghen gió” hoặc ghen tréo ngoe như thế, kể ra cũng quá mệt.
Anh bạn tôi, một nhà thơ rất phong độ, gương mặt “hầm hố” với cặp kính đen to chảng luôn gắn trên mặt. Mỗi lúc nhậu say, anh thường đứng lên đọc thơ rất hăng, dù chỉ vài người nghe nhưng anh vẫn luôn có cảm giác như đang đứng trước quảng trường thơ như thi sĩ Maiacốpski. Các bóng hồng, lan, huệ, cúc ái mộ vây quanh ào ào vỗ tay tán thưởng. Tất nhiên, do quan niệm “mất gì của bọ” nên hễ ai yêu thì anh sẵn sàng ngay.
Ấy thế mà khi anh có vợ, tính cách ấy thay đổi cái rụp, quay ngược 1800 khiến ai cũng lấy làm lạ. Trong những cuộc vui, trăm lần như một, bao giờ cũng thấy anh kè kè dẫn theo “con mèo bé bỏng” như anh tự trào. Cả hai gắn với nhau như hình với bóng. Dần dà, ai cũng thấy oải bởi sự xuất hiện của nàng khiến cuộc vui có phần hạn chế, vì nàng chỉ nhằm mục đích nhắc nhở chồng phải biết kiềm chế và nhất là không cho bất kỳ giai nhân nào léng phéng ngồi cạnh. Ôi! Từ một tay “giang hồ mã thượng” xem trời bằng vung… trong cuộc nhậu, nay tôi thấy anh ngoan hiền như con mèo ướt. Hỏi, tại sao lúc nào cũng dẫn theo “sư tử Hà Đông”, anh bảo: “Không dẫn theo, hễ cứ năm mười phút nàng lại nhắn tin hoặc gọi điện thoại kiểm tra, mệt cả đầu. Thôi cứ dẫn theo để cho thấy mình “trong sáng” vậy”. Anh vừa nói vừa cười nhưng sao mà chua chát quá! Riết rồi, chẳng ai dám mời anh họp mặt, dù vẫn tiếc vì thiếu một tay kể chuyện tiếu lâm và đọc thơ sang sảng góp vui…
Trên đời này, tôi chưa thấy ai quản lý chồng một cách chu đáo như vợ của anh bạn tôi. Từng đoạt nhiều giải thưởng thơ trong thời trẻ, từng là lính Trường Sơn “ào ào lá đỏ” nên nhiều cô mê anh cũng phải thôi. Từ một người ăn nói bạt mạng, anh thay đổi đến lạ lùng. Chưa bao giờ thấy anh dám cho một người nào“quá giang” lên xe mình, dù là bạn cùng cơ quan, dù là nam hay nữ. Đã thế, đố ai có thể mời anh đi ăn trưa, đi lai rai hoặc thậm chí uống cà phê, dù chỉ ngồi trước cổng cơ quan. Hỏi ra mới biết, vợ anh có quy định là “phải biết nói không” trước những lời mời mọc đó, đơn giản chỉ vì… không có vợ bên cạnh. Lý lẽ “cùn” đến thế mà anh vẫn phải chấp hành một cách tuyệt đối, răm rắp không khác gì robot.
Lần nọ, Hội Nhà văn Việt Nam mời anh em hội viên đi “thực tế sáng tác” ở Hà Giang. Theo nguyên tắc thì không ai được dẫn vợ theo nhưng biết “hoàn cảnh khó khăn” của anh, Ban tổ chức đành phá lệ. Sự có mặt của chị đã khiến mọi người mất vui. Ai đời, giữa bàn ăn chung mà chị cứ chăm sóc anh như đứa trẻ lên năm đang ngồi riêng trong nhà. Hết gắp món này đến chọn món kia, hết khuyên nhai cho kỹ đến dặn dò phải coi chừng xương… Một nữ sĩ đồng nghiệp ngồi cạnh, thấy anh vừa ăn hết cơm liền sốt sắng bảo anh đưa chén đơm thêm. Vợ anh liếc xéo, nặng nhẹ với chồng: “Anh đang trong giai đoạn ăn kiêng. Bác sĩ đã dặn những gì? Anh nhớ không? Mỗi bữa mấy chén cơm? Nhớ chưa?”. Cô bạn đồng nghiệp chưng hửng, thụt tay lại, đứng dậy bỏ đi một mạch. Từ đó, chẳng cô nào còn dám “mạo hiểm” đến đứng gần anh, dù là bàn chuyện sáng tác!
Trước 1975, có một ca khúc được nhiều người yêu thích, nói về tình phụ. Sau này trên các bến phà, chợ búa nhiều người hành khất hát ra rả. Sáng tác này là của anh bạn nhà thơ kiêm nhạc sĩ, anh tự hào, ít ra sáng tác của mình cũng có ích cho người nghèo kiếm sống. Anh sáng tác khá nhiều, nhưng sau khi cưới vợ, lập tức “nàng thơ” bỏ anh đi một nước, không hề quay lại. Đơn giản, những bài thơ, ca khúc của anh khi viết ra bao giờ vợ anh cũng đặt nghi vấn “anh viết cho cô nào?” “Đỉnh cao” cãi vã là câu thơ: “Chiều Hàm Luông nhạt nhòa bóng nắng/ Em đi về trời thơm áo trắng?”. "Ủa, anh có đưa em đến đây lần nào đâu? Anh đến đó với ai?”. Nói xong nàng sụt sùi giọt vắn giọt dài. Anh hết lời giải thích về “nguyên lý sáng tác” về “cảm hứng của thi ca”… nhưng nàng vẫn không tin, còn mắng anh “vụng chèo khéo chống”, chỉ khéo ngụy biện cho việc làm “mờ ám”!
Thật ra, bài thơ đó anh lấy cảm xúc từ truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy. Biết có cãi cũng bằng thừa, từ đó, để “trong ấm ngoài êm”, anh dẹp quách chuyện sáng tác. Ai cũng tiếc cho tài năng của anh.
Hẳn nhiều người còn nhớ đến vụ uống thuốc tự tử của một nhà thơ trẻ cách đây dăm năm. Không rõ bị vợ ghen tuông, chì chiết thế nào mà bạn tôi, một nhà thơ vừa xuất hiện trên văn đàn đã chọn lấy cái chết cho nó “nhẹ người”, như sau này anh tâm sự. May thay, trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” ấy có người hàng xóm tình cờ ghé nhà, kịp thời đưa anh đi cấp cứu! Sau vụ đó, anh “ly hôn” luôn với nàng thơ, không tơ tưởng gì đến chữ nghĩa nữa. Hỏi ra mới biết, vợ anh ghen với bất kỳ từ “em”, “nàng” nào xuất hiện trong sáng tác của anh. Làm thơ mà không có những từ này thì làm sao mà viết? Anh cười mà nghe “đau xót lý chim quyên” quá chừng!
(Theo PNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065