“CHUYỂN TÀI ĐƯA CÁN”
Cuộc sống gia đình gặp nhiều sóng gió đã đưa ông đến với nhiệm vụ tình báo. Năm lên 8 tuổi, cha qua đời. Mẹ con ông cùng bà ngoại sinh sống tại tỉnh Long An bằng nghề buôn ghe qua lại biên giới Campuchia. Để thuận tiện, ông được gia đình làm giấy khai sinh và học tại Campuchia với cái tên Sok Heng (lấy theo họ cha nuôi là Sok Pock).
Biết tiếng Campuchia, hiểu được tình hình chính trị nước bạn, ông đã lọt vào mắt các nhà hoạt động cách mạng. Năm 1964, ông nhận nhiệm vụ sang Campuchia thành lập một tổ 3 người để “chuyển tài đưa cán” (đưa đón cán bộ, chuyển tài liệu, tân binh từ Campuchia qua vùng giải phóng và ngược lại).
Người điệp báo năm xưa kể về cuộc đời hoạt động tình báo của mình bên dòng sông nhỏ
Ông Hùng cho biết: “Tại Việt Nam, tôi ở tổ F, D30 thuộc C109 (Năm 1971 đổi thành C48), tại Campuchia là đơn vị điệp báo K, thuộc S55. Hoạt động đến tháng 3-1970, tổ có lệnh rút về Việt Nam nhận nhiệm vụ mới. Hoạt động tại Campuchia, lúc tôi vào vai người buôn, lúc chạy xe honda ôm... Khi về Việt Nam nhận nhiệm vụ mới là đưa rước chú Ba Hạc (biệt danh của Phó C48) đi làm việc. Được đào tạo thêm và nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ đó tôi mới biết mình là điệp báo”.
BA LẦN TRỞ RA TỪ ĐỊA NGỤC
Khi chính quyền Xi-han-núc bị đảo chính (tháng 3-1970), tổ của ông được lệnh rút về Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, các điệp báo chia thành nhiều tổ tỏa đi các tỉnh để đảm bảo cho việc xây dựng lực lượng, cung cấp lương thực, vũ khí, khí tài phục vụ cách mạng. Ông được tổ chức bố trí với cái tên Nguyễn Văn Sơn cùng 2 đồng đội khác vào vùng ấp chiến lược Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang). Trước khi đi, ông được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Tại đây, được sự giúp đỡ của an ninh khu, huyện đội, công an huyện, du kích, ông trà trộn vào ấp chiến lược tìm người có cảm tình với cách mạng để xây dựng mạng lưới tình báo.
Hồi ức như ùa về, ông Hùng kể: “Địa bàn miền Tây nhiều kênh rạch, địch thì mạnh, vũ khí hiện đại nên tôi phải nhờ du kích địa phương dẫn đi. Lần đó vô ấp chiến lược bị phát hiện. Vừa đánh nghi binh vừa yểm trợ, cả đội mới thoát ra an toàn”.
Năm 1972, ông trở lại Campuchia ở vùng tranh chấp với nhiệm vụ xây dựng giao thông tình báo - trên cơ sở cũ ở Phnôm Pênh rồi phát triển thêm để nhận và chuyển tài liệu, đưa đón cán bộ cách mạng.
Công tác tại Campuchia đến tháng 3-1975 thì ông bị bắt và bị tra tấn rất dã man. Bà Nguyễn Thị Cúc - vợ ông cho biết: Để chuộc ông ra, đơn vị đã hỗ trợ 15 cây vàng, gia đình bỏ ra 15 cây. Ông Hùng tiếp lời: “Hoạt động cách mạng, tôi luôn chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Lúc đó thấy địch lơ là, tôi có cơ hội trốn thoát và trở về với cách mạng. Sau này mới biết tổ chức đã tạo điều kiện để tôi trốn thoát.
Hoàn thành nhiệm vụ trở về Xa Mát, Tân Biên, Tây Ninh, đến tháng 5-1975, ông về Sài Sòn nhận nhiệm vụ mới. Tại cơ sở công giáo trên đường Yên Đổ TP. Hồ Chí Minh, ông đóng vai cán bộ quân quản. “Cơ sở này được linh mục Đinh Bá Tri (người Pháp) lập thư viện để sưu tầm tài liệu về công giáo, nhưng thực tế làm điểm móc nối với các tướng tá của Mỹ còn sót lại, cũng như ngụy quân, ngụy quyền. Xác định đây là tổ chức phản động của CIA tiếp tục chống phá cách mạng, tôi đã thực hiện tốt vai trò giám sát, chụp hình, ghi âm mọi hoạt động của cơ sở này... Bị địch phát hiện, cái chết như đã cận kề. 6 giờ tối một ngày trung tuần tháng 12-1975, tôi được lệnh rút khỏi vị trí chiến đấu. 9 giờ tối cùng ngày, cấp trên phá án thành công và tôi an toàn trở về” - ông Hùng kể lại.
Vậy là đã 3 lần cận kề cái chết nhưng tôi may mắn sống sót. 3 lần “tử thần từ chối tôi” - ông cười nói.
TRỌN NGHĨA VỚI NƯỚC NON, SẮT SON TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Sống trong vùng căn cứ cách mạng (Lò Xóm Giữa - Tây Ninh), ý thức được giá trị của hòa bình, độc lập, bà Nguyễn Thị Cúc cũng hoạt động điệp báo từ năm 1969, trở thành đồng chí, đồng đội cấp dưới của ông.
“Mến nhau từ thời còn ở trong rừng, nhưng lúc đó nhiệm vụ cách mạng là thiêng liêng nên chuyện tình cảm tạm gác lại. Năm 1976, khi đất nước giải phóng, chúng tôi mới đi đến hôn nhân”. Nói đến đây, mắt bà ánh lên những kỷ niệm đẹp về tình yêu của đời điệp báo. “Đồng cam cộng khổ trong chiến tranh, chúng tôi luôn trân trọng những kỷ niệm không dễ gì có được” - bà Cúc chia sẻ.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, Ban An ninh R của miền Nam đóng tại Tổng nha cảnh sát ngụy cũ ở Sài Gòn và ông được chọn nằm trong đội bảo vệ cho lãnh đạo. Từ năm 1979 đến 1981, ông làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơme đỏ xây dựng chính quyền, tư vấn kinh tế tại các tỉnh biên giới Campuchia. Thời gian này, bà gồng gánh nuôi 2 con bệnh tật. Năm 1991, gia đình ông bà chọn vùng đất Lộc Hưng (Lộc Ninh) để an cư lạc nghiệp.
Năm 1985, ông bà được Hội đồng Bộ trưởng tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất do có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1986, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Năm 2013, ông bà được Tổng cục Tình báo Bộ Công an tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tình báo: “Nguyên cán bộ điệp báo Ban An ninh R đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển lực lượng tình báo chiến lược thuộc Bộ Công an”. |
Ông bị nhiễm chất độc da cam 67%, di chứng qua 2 người con là chị Bùi Thị Kim Huệ (1978) và chị Bùi Thị Kim Huyền (1980). Nặng nhất là chị Kim Huyền, tay chân bị teo, luôn bị các cơn đau hành hạ, chỉ biểu hiện cảm xúc yêu ba mẹ qua vòng tay ôm và nụ cười ngây dại trên gương mặt vô hồn. May mắn với ông bà khi người con đầu tuy bệnh tật nhưng cũng lập gia đình và sinh được 2 người con. Các cháu khỏe mạnh, học hành tốt. đó là những “bông hoa kỳ diệu” mà cuộc sống đã dành tặng ông bà.
Trò chuyện với ông vào ngày đầu xuân, khi ông vừa trải qua cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh trong vòng tay đồng chí, đồng đội và người vợ, tôi cảm phục, trân trọng và học được nhiều điều hơn khi ông vẫn luôn nở nụ cười, nói chuyện với giọng hài hước, lạc quan.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065