BP - “Thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường; tình hình sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp; giá vật tư nông nghiệp, cây - con giống các loại trên thị trường thường xuyên biến động. Trong khi giá các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương giảm sâu; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp… gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Do đó, việc thay thế những vườn cây già cỗi, năng suất thấp bằng các loại cây ăn trái hay tận dụng trồng rau màu sạch đang là những hướng đi phù hợp, được nhiều nông dân lựa chọn” - ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết.
Cùng nông dân vượt khó
Nhằm định hướng và tạo điều kiện cho hội viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trước khi chuyển đổi, Hội Nông dân huyện đã tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh, như: Trồng bơ sáp Mã Dưỡng và bưởi da xanh ở huyện Phú Riềng; trao đổi kinh nghiệm sản xuất và cách thức tổ chức, quản lý, xuất khẩu của Hợp tác xã trồng tiêu Lâm San ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai); trồng cây ăn trái theo hướng an toàn tại các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long... Hội nông dân các xã, thị trấn tổ chức, hướng dẫn cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả trong huyện, như trồng mít Thái lá bàng ở xã Lộc Hòa, trồng cây có múi ở xã Lộc Hiệp, trồng rau an toàn ở xã Lộc Thái... Đồng thời phối hợp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái; hỗ trợ vốn, giống mới năng suất cao; tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất heo hướng sạch... và động viên nông dân tham gia mô hình liên kết phát triển sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây mít Thái
“Với nông dân, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do vậy, ngoài tận dụng nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, các cấp hội trong huyện còn đẩy mạnh thực hiện các dự án từ quỹ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho hội viên mạnh dạn tìm hướng đi phù hợp và chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, Huyện hội đã giải ngân cho 265 hội viên vay gần 5,6 tỷ đồng. Qua đó, nhiều hộ hội viên đã chủ động chuyển đổi, thay thế các diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh hay vườn cây kém hiệu quả bằng các loại cây ăn trái, như xoài, bưởi da xanh, mít Thái, sầu riêng, bơ... cho thu nhập cao” - ông Lê Khắc Phú nói.
Thay đổi tư duy sản xuất
Giá mủ cao su liên tục sụt giảm nên 2 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Hà ở ấp 54, xã Lộc An đã thanh lý gần 5 ha cao su chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. Hiện 500 cây mít Thái, 500 cây bưởi da xanh và 700 cây sầu riêng Mongthon của gia đình bà phát triển tốt. Bà Hà cho biết: Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất hiệu quả và nhận thấy xu thế hiện nay, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn những loại trái cây sạch, có nguồn gốc để bảo đảm sức khỏe nên vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, gia đình tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học. Đồng thời đầu tư hệ thống tưới tự động vừa bảo đảm độ ẩm cho cây phát triển vừa tiết kiệm nước và đào mương để giữ nước tưới cũng như tiêu thoát nước vào mùa mưa.
Ngoài nguồn thu ổn định từ các loại cây ăn trái, gia đình bà Lê Thị Thìn ở ấp 5B, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) còn nâng cao thu nhập từ trồng nấm bào ngư
“Đến thời điểm này, tuy mới có mít cho trái vụ đầu, nhưng gia đình đã thu được hơn 100 triệu đồng, bằng 1/7 tổng số vốn đầu tư. Sau 3 năm nữa, cả bưởi và sầu riêng cùng cho trái, chắc chắn nguồn thu sẽ lớn vì tôi nhận thấy, giá các loại trái cây đặc sản ít khi giảm, nhất là sầu riêng. So với cây tiêu và cao su thì lợi nhuận từ trồng cây ăn trái cao hơn nhiều. Đơn cử như cây tiêu, nếu chăm sóc tốt và cây ở thời điểm sung sức nhất cũng chỉ đạt 3kg/nọc (khoảng 150 ngàn đồng), còn mít, mỗi cây gia đình chỉ để 1-2 trái cũng cho thu vài trăm ngàn đồng. Trong khi tiêu càng già năng suất càng giảm, còn cây ăn trái càng chăm sóc tốt càng cho nhiều trái” - bà Hà nói.
“Thời điểm hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được coi là giải pháp tốt nhất giúp người dân ổn định phát triển sản xuất. Ngành đang tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi vườn cây già cỗi, năng suất thấp sang trồng cây ghép cho năng suất, chất lượng cao hơn; thay thế các loại cây trồng ở những chân đất không phù hợp; những diện tích điều, cao su già cỗi, năng suất kém chuyển sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả cao hơn. Đồng thời định hướng người dân đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế và không sản xuất theo phong trào, chạy theo thị trường, tránh những hệ lụy đáng tiếc sau này”. Ông Trần Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết |
Bà Lê Thị Thìn ở ấp 5B, xã Lộc Tấn chia sẻ: “Gia đình có ít đất sản xuất (5 sào), lại neo người. Thời điểm này, nếu trồng cây công nghiệp sẽ rất vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao nên tôi quyết định trồng sầu riêng, măng cụt. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và chủ động áp dụng vào thực tế sản xuất nên cây đạt năng suất cao, mỗi năm gia đình thu khoảng 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cũng nhờ những lần tham gia học tập các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn, tôi tận dụng diện tích đất trống sau nhà đầu tư 30 triệu đồng xây dựng trại nấm và mua 5 ngàn bịch phôi nấm bào ngư để tăng thu nhập. Ngay đợt thu hoạch đầu tôi đã hoàn vốn, trong khi nấm mỗi tháng ra 2 lần và sau 4 tháng mới thay bịch phôi. Hiện nấm làm ra đến đâu bán hết đến đó, lại được giá nên tôi dự định sẽ mở rộng diện tích gấp đôi”.
“Qua các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trong huyện không còn ồ ạt chạy theo cao su, tiêu, điều để rồi vướng vào vòng luẩn quẩn “chặt - trồng, trồng - chặt” mà tìm lối đi riêng với những mô hình kinh tế cho thu nhập khá cao. Thời gian tới, ngoài tuyên truyền, vận động nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, Huyện hội sẽ tập trung phát triển các mô hình kinh tế tập thể, câu lạc bộ tự nguyện trong nông dân; phối hợp hướng dẫn nông dân đăng ký thương hiệu cho các loại nông sản đặc sản, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm để nông dân yên tâm phát triển sản xuất” - ông Lê Khắc Phú khẳng định.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065