Xét xử lưu động vụ thảm án do Nguyễn Hải Dương cùng đồng bọn gây ra tại huyện Chơn Thành - Ảnh: Tư Liệu
Thứ nhất là ngày 17-12-2015, tại phiên tòa xét xử lưu động vụ thảm án có hàng trăm ngàn người theo dõi trực tiếp và xem trên truyền hình. Khi ấy, mọi người đều tỏ rõ thái độ đồng tình, ủng hộ đối với phán quyết của tòa án là tử hình hai bị cáo Dương và Tiến. Và điều này cũng thật dễ hiểu, vì truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa luôn căm phẫn trước tội ác, đặc biệt là tội giết người và những hung thủ giết nhiều người cùng một lúc, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em. Thế nhưng không hiểu tại sao mẹ của Vũ Văn Tiến là bà Vũ Thị Thi lại có được 10 ngàn chữ ký của người dân trong đơn xin giảm án cho con. Hơn nữa, trong số những chữ ký ấy lại có không ít của người đã từng chứng kiến phiên tòa, thấu hiểu nỗi đau của gia đình bị hại cũng như căm phẫn hành vi thú tính của những kẻ sát nhân.
Có người cho rằng, bà Thi làm được việc này vì đã nhịn nhục hạ mình để năn nỉ lòng trắc ẩn của người khác. Với bà Thi, vì tình yêu thương con của người mẹ thì có thể chấp nhận được. Còn với những người chỉ vì thương hại mà đặt bút ký vào tờ đơn kia mới chính là người tự hạ thấp nhân phẩm, danh dự và tính cách của mình. Hơn nữa, chính việc ký vào đơn của những người này chẳng khác nào góp sức thổi bùng ngọn lửa bất bình của dư luận đối với những kẻ giết người trong vụ án này. Lại có người nghĩ rằng, tại sao trước đó bà Thi không nhẫn nhịn trong việc giáo dục con mình để đến bây giờ phải trả giá? Và đây là điều mọi người cần suy ngẫm để đừng bao giờ lâm vào cảnh tương tự như bà Thi, một người mẹ khốn khổ nhưng cũng thật đáng trách này.
Thứ hai là trong lá đơn xin cứu xét giảm án của ông Vũ Duy Hiền và bà Vũ Thị Thi là cha mẹ của Vũ Văn Tiến có đoạn nêu rằng, họ rất bất ngờ khi phiên tòa phúc thẩm không hề có giấy thông báo hay triệu tập luật sư Lê Văn Nam (là thành viên của Đoàn luật sư Bình Phước đã tham gia phiên sơ thẩm) để tham gia phiên phúc thẩm, mà tòa án lại tự ý chỉ định một luật sư khác. Theo dự kiến, phiên tòa phúc thẩm vụ án này sẽ được tiến hành vào ngày 21-3-2016 nhưng đã được hoãn. Và nếu phiên tòa phúc thẩm được diễn ra theo đúng kế hoạch thì Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh có sai sót trong thủ tục tố tụng.
Vì quy định về những người tham gia phiên tòa phúc thẩm tại Khoản 2, Điều 245 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có quy định như sau: Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều này hoặc tại các điều 45, 46, và 47 của bộ luật này không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Đồng thời, tại Khoản 3, Mục 3 trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tối cao có nêu: Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Được coi là đã được triệu tập tham gia phiên tòa, nếu giấy triệu tập phiên tòa được giao trực tiếp cho họ hoặc đã được gửi đến đúng địa chỉ mà họ đã khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thông báo, triệu tập họ. Nếu có một trong những người này chưa được triệu tập tham gia phiên tòa thì phải hoãn phiên tòa.
Trao đổi với luật sư Lê Văn Nam, ông cho biết: “Tôi đã kiến nghị lên Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xin hoãn phiên tòa và yêu cầu thực hiện thủ tục tố tụng theo đúng trình tự. Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm hoãn phiên tòa phúc thẩm theo kiến nghị của tôi”. Như vậy, nếu luật sư Lê Văn Nam không có kiến nghị thì liệu phiên tòa phúc thẩm đối với bị cáo Vũ Văn Tiến có bị hoãn? Song vấn đề dư luận không đồng tình là: Tại sao các thẩm phán cao cấp ở Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh lại để xảy ra sơ suất mức sơ đẳng nhất trong thủ tục tố tụng? Và dư luận cho rằng, nếu sai lầm này không sớm được khắc phục thì việc xét xử, phán quyết oan sai sẽ còn xảy ra.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065