Mùa nào báo đó
Nắng ở Bình Phước kéo dài quanh năm. Mùa mưa, thời tiết cũng không dịu lại. Vì thế, công việc bán báo dạo của chị Hà Thị Mai (SN 1967) không dễ chịu chút nào. Chia sẻ “cơ duyên” đến với nghề, chị Mai kể: “Chồng bị bệnh mất năm 2007 nên chị thay anh đi bán báo dạo. Sức khỏe yếu, lại bị đau cột sống, thoát vị đĩa đệm nên đạp xe đi bán báo dạo là nghề thích hợp nhất”. Mỗi ngày, chị đạp 6-7 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 12-13 giờ.
Theo chị Mai, để bán được nhiều báo phải nhanh nhẹn, mùa nào bán báo đó. EURO 2016 lấy thêm báo Bóng đá, đắm tàu trên sông Hàn bán được nhiều Thanh niên, Đời sống Pháp luật... Chị luôn mang theo cây viết và cuốn sổ nhỏ ghi số điện thoại bạn đọc, địa chỉ giao báo và tên những tờ báo khách dặn mua vào ngày hôm sau... Nhờ vậy, ngoài bán khoảng 50 tờ của những đầu báo quen thuộc, bỏ mối cho 4 sạp, chị có thêm thu nhập từ những tờ báo do khách yêu cầu, thu về 80 ngàn đồng/ngày.
Niềm vui bán gần hết số báo trong ngày của chị Mai
Thấy tôi cầm tờ Báo Bình Phước, chị cười khoe: “Ngày càng có nhiều người đọc báo tỉnh. Nữ, nam, người già, sinh viên... có cả. Có người còn hỏi chị cách nào để viết và gửi được bài cộng tác lên báo. Chị nghĩ họ hỏi thiệt nhưng không biết trả lời sao”. Tôi chỉ lên góc phải trang 1 và nói: “Khi ai hỏi, chị cứ chỉ lên số điện thoại này, địa chỉ Tòa soạn Báo Bình Phước và hộp thư điện tử, người ta sẽ biết cách gọi hỏi thông tin hay gửi bài cộng tác”.
Theo chị về căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm ở tổ 4, khu phố Tân Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài mới thấy hết được hoàn cảnh của ba mẹ con nghèo. Căn nhà tuềnh toàng không có tài sản nào giá trị. Phòng khách vốn nhỏ cũng trở nên trống rỗng khi không có bộ bàn ghế. Con trai út của chị thấy khách lạ đến nhà bèn chạy ù vào phòng trong. Giọng chị nghèn nghẹn: “Cháu bị đau thần kinh từ nhỏ nên phải nghỉ học ở nhà. Chị còn cháu lớn chuẩn bị lên lớp 10, học lực cũng tạm. Cả nhà trông chờ vào tương lai của cháu lớn”.
Thích đọc mới mở sạp báo
Nói là sạp nhưng bà Nguyễn Thị Lan (SN 1946, bán báo trên đường Lê Duẩn, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) chỉ bán khoảng 20 đầu báo mỗi sáng. Bởi theo bà, sự cạnh tranh của báo mạng khiến mọi người đọc trên điện thoại, ít bỏ công, tiền đến sạp hỏi mua. “Ngày trước bán được hàng trăm tờ mỗi sáng, lãi 300 ngàn đồng. Nay chỉ được 50 tờ. Nhiều đầu báo chỉ bán 2-3 tờ và số dư còn lại phải ôm. Tuy nhiên, vì thích đọc nên có ôm tôi vẫn bán báo” – bà Lan chia sẻ.
Vì yêu thích đọc báo nên mỗi khi vắng khách, bà tranh thủ lấy báo ra đọc. “Trước tiên đọc báo tỉnh để xem tin tức, sau đó đọc báo khác. Bởi có những thông tin diễn ra ở Bình Phước nhưng một số tờ báo cứ làm giật gân, chỉ khi theo dõi báo tỉnh mới hiểu rõ sự việc. Ngoài ra, đọc báo tỉnh còn giúp chúng ta theo sát được hành động, tình cảm của lãnh đạo dành cho người dân. Từ đó ủng hộ, chia sẻ, hoặc góp ý để các chủ trương, chính sách mới của tỉnh, Nhà nước được tốt hơn. Nhờ đọc nhiều báo mà tối nào tôi cũng có chuyện nói lại với con cháu. Qua đó giúp các cháu hiểu và trân trọng những thành quả từ lao động chân chính, tình cảm gia đình, bạn bè, làng xóm” – bà Lan tâm sự.
Đã 6 năm bán báo trên góc đường Lê Duẩn, hàng ngày có nhiều người ghé sạp báo của bà Lan chỉ để... đọc ké nhưng bà vẫn thấy vui. “Vui vì có bạn đọc báo. Chỉ cần mọi người giữ tờ báo phẳng phiu là được” – bà Lan cười.
“Một anh chàng thần kinh không ổn định. Mỗi lần ghé sạp mua báo thường gọi tôi bằng nhiều tên, lúc thì bà, khi thì cô, rồi chị... Khi về, anh chàng “kẹp” thêm một tờ báo khác. Tôi nghĩ, anh ta thích đọc mà không có tiền mua 2 tờ cùng lúc. Vì thế, tôi soạn ra những tờ báo cũ để dành chờ anh ta đến mua báo rồi cho. Từ đó không thấy anh ta “kẹp” báo nữa. Anh ta còn tích báo lại rồi đưa cho tôi, kể cả những tờ vừa bỏ tiền mua và đọc xong” – đó là kỷ niệm đáng nhớ trong 6 năm bán báo của bà.
Khi biết tôi viết báo, bà nắn nắn bàn tay tôi và nói: Cháu biết không, khi đọc bài “Ước mơ của những em bé mồ côi” trên Báo Bình Phước, tôi đã khóc. Không chỉ bởi các cháu đó đang còn nhỏ đã biết dành ước mơ cho bà, cho em mà bởi tôi thấy tụi nhỏ còn biết lo đến những cái lớn hơn... Cũng có mấy người cháu, thường ngày được các cháu quây quần, giúp bán báo nên... tôi thương tụi nhỏ lắm. Là người cầm bút, các cháu phải viết đúng sự thật, chịu khó tìm những chi tiết đắt để đưa vào bài viết và phải trân trọng tình cảm của độc giả dành cho tờ báo.
Cẩm Thơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065