BPO - Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, trị giá xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam vào EU tháng 8-2020, đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7-2020 và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các mặt hàng điển hình như gạo, trái cây, cà phê - những sản phẩm của Việt Nam vốn khó cạnh tranh được tại thị trường này, đã trở thành những mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất. Câu chuyện này diễn ra giữa bối cảnh xuất nhập khẩu của tất cả các nước trên thế giới đang chồng chất khó khăn do phòng chống dịch Covid-19, một lần nữa đã nhắc nhở về một bài học không còn mới, nhưng chưa bao giờ cũ và vô cùng đắt giá với ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như với những ai sinh sống, làm việc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, trị giá xuất khẩu gạo tháng 8-2020 của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7-2020 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lý do chính là bởi một số doanh nghiệp đã thành công trong xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với EU và chính thức được phép bước chân vào thị trường này. Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, có chỉ dẫn “Cà phê Buôn Ma Thuột”. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU… Tương tự như vậy, nhiều thương hiệu trái cây của Việt Nam cũng được nhập khẩu vào EU với mức tăng trưởng ấn tượng sau khi EVFTA có hiệu lực.
Để có được “trái ngọt” của một số mặt hàng nông nghiệp ấy, không phải ngẫu nhiên bởi chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, cũng không phải là món quà bất ngờ của những người châu Âu. Đó là cả một quá trình lâu dài, kiên trì xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp, sản phẩm. Ví như trước đây, để xuất khẩu được xoài vào Mỹ, doanh nghiệp của Việt Nam phải xây dựng thương hiệu và cùng các cơ quan chức năng đàm phán ròng rã 10 năm trời. Hay như trái nhãn Việt Nam vừa vào được thị trường Úc hay trái vải và cá ngừ đại dương vào được thị trường Nhật, cũng là cả một kỳ công của doanh nghiệp và nông dân, ngư dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù là một đặc sản, chất lượng rất cao, nhưng cũng phải trải qua một quá trình “trầy da tróc vẩy” mới bước chân vào được miền đất hứa.
Nhiều năm qua, Việt Nam là một trong 2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có năm đứng thứ nhất, có năm đứng thứ hai... Song một điều khó tin nhưng là thực tế rất đáng tiếc, những thị trường quan trọng nhất sử dụng gạo trên thế giới, lâu nay lại chỉ biết đến gạo Thái Lan, gạo Campuchia... Cả người tiêu dùng và trong các siêu thị, không mấy người biết đến gạo Việt Nam. Vậy gạo Việt Nam xuất khẩu đi đâu? Gạo của chúng ta được xuất chủ yếu cho thị trường yêu cầu chất lượng thấp, yêu cầu phẩm cấp thấp nhưng tiêu thụ nhiều, là Trung Quốc, còn các thị trường yêu cầu phẩm cấp cao thì không thể chen chân vào.
Sản phẩm nông nghiệp cũng như nhiều sản phẩm khác của Việt Nam, có chất lượng không thua kém, thậm chí chất lượng cao hơn so với sản phẩm cùng loại khác. Thế nhưng, vì chưa có thương hiệu, vì chưa quảng bá tốt, thậm chí lại còn tự “gậy ông đập lưng ông”, nên không xây dựng được thương hiệu hoặc đánh mất thương hiệu… Ngược lại, nhiều quốc gia hay doanh nghiệp của một quốc gia thậm chí họ không sản xuất ra sản phẩm, nhưng lại sở hữu thương hiệu và quyết định thị trường của sản phẩm ấy. Có rất nhiều bài học trong lĩnh vực nông nghiệp như thế, nó không mới nhưng chưa bao giờ cũ, thấm thía càng nhiều thì trả giá càng ít.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065