Thứ nhất, Lê Hiển Tông là vị vua được lên ngôi một cách may mắn nhất. Khi còn là hoàng tử, vì có người chú là Lê Duy Mật nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, do đó ông bị Trịnh Giang nghi ngờ đem giam ở nhà viên quan nội thị Hồng quận công. Năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Cũng theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, đêm trước đó, Vũ Tất Thận mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình. Sáng hôm sau, thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc cho là ứng vào giấc mộng của mình bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
Thứ hai, vua Lê Hiển Tông sinh tháng 4 năm Đinh Dậu (1717) và mất tháng 7-1786 (Bính Ngọ), thọ 69 tuổi. Ông là vị vua thọ nhất triều hậu Lê và còn là một trong những vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông lên ngôi tháng 5-1740 (Canh Thân) và mất năm Bính Ngọ (1786), làm vua 46 năm.
Thứ ba là trong suốt những năm trị vì của mình, vua Lê Hiển Tông đã cho đúc 16 loại tiền khác nhau mang niên hiệu của mình, đó là: Cảnh Hưng Thông Bảo, Cảnh Hưng Trung Bảo, Cảnh Hưng Chí Bảo, Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, Cảnh Hưng Thái Bảo, Cảnh Hưng Cự Bảo, Cảnh Hưng Trọng Bảo, Cảnh Hưng Tuyền Bảo, Cảnh Hưng Thuận Bảo, Cảnh Hưng Chính Bảo, Cảnh Hưng Nội Bảo, Cảnh Hưng Dụng Bảo, Cảnh Hưng Lai Bảo, Cảnh Hưng Thận Bảo, Cảnh Hưng Đại Bảo, Cảnh Hưng Đại Tiền.
Thứ tư, vua Lê Hiển Tông là vị vua cho ban hành Bộ luật Tố tụng đầu tiên của nước ta. Trước đó, các điều khoản tố tụng chưa được phân định riêng mà vẫn nằm chung trong nội dung của các bộ luật. Đến năm Đinh Dậu (1777) Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ được ban hành, nội dung là những điều lệ về kiện tụng, quy định thẩm quyền các cấp xét xử, thời hạn xét xử, trình tự bắt người, điều tra, khám xét... Quốc triều điều luật là thành tựu lập pháp nổi bật nhất của thời Lê Trung Hưng (1533-1788) và cũng là bộ luật lớn nhất của thế kỷ XVIII.
Thứ năm, vua Lê Hiển Tông là vị vua vừa làm ông ngoại lại vừa làm bố vợ. Ông có nhiều con gái, trong đó công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ, tức vua Quang Trung 1788-1792 và công chúa út là Ngọc Bình được gả cho hoàng tử Quang Toản, tức vua Cảnh Thịnh 1793-1802 và là con trai trưởng của vua Quang Trung. Và vua Lê Hiển Tông còn là vị hoàng đế có nhiều con rể làm vua nhất. Vào năm Nhâm Tuất (1802), sau khi đánh bại Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long (1802-1819). Khi chiếm được Phú Xuân, rung động trước sắc đẹp của công chúa Ngọc Bình - vợ của vua Quang Toản, ông đã lấy bà làm phi. Như vậy vua Lê Hiển Tông có tới 3 người con rể làm vua. Và trong số 3 người con rể ấy thì thú vị là có hai người là cha con: Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản!
Lời bàn:
Hôn nhân là việc kết hợp tính giao giữa nam và nữ, vì vậy ở bất kỳ quốc gia nào, dù là khác nhau về chế độ chính trị xã hội nhưng lại đồng nhất hôn nhân với quan hệ tính giao. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện xã hội và những yếu tố văn hóa tộc người mà hôn nhân diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau, nó vừa phản ánh quy luật chung về sự phát triển của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử, lại vừa mang những đặc thù văn hóa tộc người. Và đặc tính nổi bật nhất của hôn nhân dưới thời phong kiến ở nước ta là hôn nhân bất bình đẳng. Vì ngày xưa, con cái không có quyền quyết định đến hôn nhân của mình, mà do “cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó”. Còn trong hoàng cung, nhà vua đã ban hôn cho ai thì người đó cứ thế mà thực hiện, nếu không thì sẽ rơi đầu vì dám trái lệnh vua. Và với địa vị ở trên muôn người, vua muốn lấy ai làm vợ, muốn chọn ai làm cung tần đều được hết.
Cũng chính vì thế mới có chuyện cha con lấy hai chị em làm vợ. Rồi cả chuyện vua của triều sau lấy vợ của vua triều trước. Tiếc rằng trong xã hội văn minh và dân chủ ngày nay, quyền tự do hôn nhân đã được phát huy tới mức đáng lo ngại. Bởi thế mới có không ít người phụ nữ cũng tự cho mình cái quyền nếu đàn ông “ăn phở” được thì họ cũng “ăn nem”. Chỉ vì uy quyền tối thượng của vua nên thời xưa, hầu hết phụ nữ không ai dám chống đối, hay tìm cách trốn tránh. Vì thế cho nên mục đích của việc nhắc lại giai thoại trên đây là để hậu thế phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của pháp luật hôn nhân ngày nay. Đồng thời mong rằng đừng ai thân bại danh liệt vì biết luật hôn nhân nhưng lại cố tình vi phạm.
ND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065