TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY VÀ CHÍNH QUYỀN
Những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, đặc biệt đẩy mạnh công tác GDQP-AN cho mọi đối tượng; góp phần xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở vững chắc để mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kiểm tra tháo lắp súng tại lực lượng tự vệ huyện Bù Gia Mập
Thực hiện công tác GDQP-AN, bên cạnh những thuận lợi, Bình Phước đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: trình độ dân trí không đồng đều, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức có mặt còn hạn chế, tốc độ tăng dân số cơ học cao; nạn xâm canh, xâm cư, di dân tự do, vượt biên trái phép, buôn lậu; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm... chưa được chấm dứt. Những tồn tại đó dễ nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp, nhạy cảm mà các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng để chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới, khu vực và biển Đông có những diễn biến khó lường, thì công tác GDQP-AN lại càng hết sức cấp thiết. Trước thực tế trên, tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp đẩy mạnh GDQP-AN, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trước hết, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy hiệu quả của hội đồng GDQP-AN các cấp, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) trong công tác này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, LLVT các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên về GDQP-AN, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Luật GDQP-AN, Kế hoạch số 33/KH-HĐ.GDQP-AN về công tác GDQP-AN của Hội đồng GDQP-AN tỉnh... Công tác GDQP-AN đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú trọng bổ sung, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng GDQP-AN các cấp, phát huy nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đề cao vai trò cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên cương vị mình phụ trách; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đáp ứng yêu cầu công tác GDQP-AN trong tình hình mới. Đối với LLVT tỉnh phát huy vai trò tham mưu, làm lực lượng nòng cốt cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN tại địa phương và cơ sở. Trong thực hiện, lấy kết quả công tác GDQP-AN là một tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.
CHÚ TRỌNG BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QP-AN
Bồi dưỡng, GDQP-AN được tỉnh triển khai mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức linh hoạt, phương pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, cơ sở và đối tượng. Trong đó, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy, HĐND các cấp, có 100% cán bộ, đảng viên thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN hoàn thành nội dung chương trình theo quy định. Trong 9 tháng năm 2016, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 1 cho 30 đồng chí; đối tượng 2 là 368; đối tượng 3 là 3.962; đối tượng 4 là 39.962 đồng chí. Các huyện, thị xã đã tổ chức 17 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN gần 1.432 đối tượng 4. Thực tiễn cho thấy, ở cấp xã, hội đồng GDQP-AN vừa kiêm nhiệm hội đồng nghĩa vụ quân sự nên công tác GDQP-AN có lúc, có nơi hoạt động chưa hiệu quả, trong khi đối tượng cần bồi dưỡng, giáo dục ngày càng mở rộng.
GDQP-AN cho học sinh, sinh viên cũng được tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN, Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch GDQP-AN cho học sinh, sinh viên. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trước mỗi năm học đội ngũ cán bộ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và các giáo viên môn GDQP-AN đều được tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, khả năng sư phạm. Hiện tỉnh ích cực triển khai thực hiện đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên này trong các nhà trường. Năm học 2013-2014, các trường tổ chức học rải theo phân phối chương trình môn GDQP-AN như các môn học khác cho 143.568 học sinh, sinh viên bảo đảm nội dung, thời gian và chất lượng. Ngoài các nội dung theo quy định, tỉnh còn chỉ đạo bổ sung nội dung về truyền thống cách mạng của địa phương vào chương trình giáo dục, tổ chức hội thao QP-AN; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội”, các hoạt động về nguồn, tham quan di tích, chứng tích lịch sử như: Phú Riềng Đỏ, khu di tích lịch sử Tà Thiết...
Để nâng cao hiệu quả phổ biến kiến thức QP-AN cho các tầng lớp nhân dân, hằng năm, tỉnh chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, Báo Bình Phước, Báo - Truyền hình Quân khu 7 và Trung ương xây dựng kế hoạch, chương trình mở các chuyên trang, chuyên mục GDPQ-AN. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu hệ thống phát thanh, truyền thanh cấp huyện, xã ngoài sử dụng chương trình của cấp trên phải dành một thời lượng, vào thời điểm thích hợp để thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN cấp mình... Tính đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đã phát sóng gần 860 tin, bài, xây dựng 18 chương trình truyền hình; các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương đăng tải hơn 400 tin, bài về hoạt động GDQP-AN của tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh coi đây là một “kênh” phản biện quan trọng giúp tỉnh thực hiện ngày càng tốt hơn công tác GDQP-AN.
Là địa phương có dân tộc ít người chiếm gần 20% số dân nên công tác tuyên truyền GDQP-AN cho đồng bào dân tộc được tỉnh thường xuyên quan tâm. Vì vậy, ngoài phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh rất coi trọng phương pháp tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở và những người có uy tín trong các dân tộc, dòng họ, như già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc...
Công tác GDQP-AN đã góp phần thiết thực vào việc tăng cường tiềm lực, thế trận, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ tỉnh. Đây là tiền đề, động lực để Bình Phước trở thành địa phương vững về chính trị, phát triển về kinh tế, mạnh QP-AN, một đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đại tá VŨ TIẾN ĐIỀN
Chính ủy Bộ CHQS tỉnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065