Không có chuyện thay chữ bằng hình
Năm học 2010-2011, Tiểu học Đắk Nhau là một trong những trường học vùng sâu, xa, có đông học sinh dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng đưa chương trình TV1-CNGD vào giảng dạy. Cô Phạm Thị Lệ Hà, giáo viên đầu tiên tiếp cận chương trình này của trường và huyện, cho biết: “Sau khi được tập huấn tại Sở GD-ĐT, đầu năm học 2010-2011, trường tổ chức dạy đại trà chương trình TV1-CNGD cho 100% học sinh lớp 1. Sau 6 tháng thực hiện, trường được Bộ GD-ĐT, trong đó có giáo sư Hồ Ngọc Đại chọn làm điểm về thăm lớp, dự giờ. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ, Tiểu học Đắk Nhau là ngôi trường khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số đông nhưng công tác dạy học đảm bảo chất lượng, chương trình TV1-CNGD hiệu quả cao hơn chương trình hiện hành. Từ đó Bộ GD-ĐT lập danh sách cử tôi ra Hà Nội tập huấn về triển khai cho toàn tỉnh, kể cả giáo viên không dạy chương trình TV1-CNGD”.
Học chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục với mục đích tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Trong ảnh, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Đắk Nhau (Bù Đăng) trong giờ học tiếng Việt
Cô Hà cho biết: Chương trình TV1-CNGD chỉ đổi mới về phương pháp học, không đổi mới về chữ viết, tức nghiêng về ngữ âm tiếng Việt. Thứ nhất, mới đầu vào học, hướng dẫn học sinh đọc một số câu thơ và có hình vuông, tròn, tam giác... thậm chí dùng sỏi, hạt đậu hay cục nam châm để tượng trưng cho các tiếng. Mỗi hình, mỗi vật là một tiếng, vì mỗi tiếng là một vật thật. Học sinh mới vào lớp 1 chưa học chữ cái mà học cách phát âm tiếng Việt. Giáo viên đọc các câu thơ và cho học sinh đọc theo để giúp các em biết trong câu thơ đó có mấy tiếng. Qua đó giúp các em biết tiếng giống nhau và tiếng khác nhau qua phát âm chứ chưa phân biệt được từng chữ, vì lúc này học sinh chưa học chữ thì làm sao đánh vần đọc câu thơ được. Và bài học này không là trọng tâm của chương trình TV1-CNGD mà chỉ yêu cầu đếm số tiếng của mỗi câu thơ trên các hình đó. Vì thế không có chuyện thay thế các chữ bằng hình. Thứ hai, các chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là “cờ” nhưng khi viết thì có luật chính tả riêng từng chữ (phân biệt âm và chữ). Tức khi viết vẫn gọi chữ “cờ”, chữ “ka”, chữ “cu”; đứng trước nguyên âm i, e, ê thì viết chữ k, trước âm đệm u thì viết chữ q, các nguyên âm còn lại thì viết chữ c; thay đổi tên gọi. Âm “ia” được ghi bằng 4 chữ iê, ia, yê, ya; âm “ua” được ghi bằng chữ uô, ua; âm “ươ” thì là ươ, ưa... Cách đánh vần cũng theo âm, không theo chữ. Ví dụ trước đây đánh vần là “ư” “ơ” “ngờ” “ương” thì nay đọc là “ưa” “ngờ” “ương”...
Cũng theo cô Hà, học chương trình này có ưu điểm là học sinh nhanh biết được nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đôi. Mặt khác, học sinh được đọc nhiều, nghe - viết chính tả ngay từ buổi học đầu tiên nên hình thành kỹ năng đọc tốt, phát âm chuẩn, viết thạo; giáo viên dễ dạy, lên lớp nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, chương trình cũng có hạn chế, đó là dùng từ địa phương, từ tối nghĩa, nặng so với lớp 1, một số bài học quá dài.
Chất lượng giáo dục nâng cao
Thầy Kiều Duy Trinh, Hiệu phó Trường tiểu học Đắk Nhau cho biết: Chương trình TV1-CNGD được trường áp dụng từ năm học 2010-2011 cho toàn bộ học sinh lớp 1 với khoảng 200 em/6 lớp. So với chương trình giáo dục hiện hành thì TV1-CNGD có tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình chiếm tỷ lệ thấp hơn. Trước đây, mỗi năm có trên dưới 12 học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình thì nay giảm khoảng 1 nửa. Phát huy thành quả ở lớp 1, học sinh các lớp 2 đọc tốt, ghép vần nhanh hơn. Từ hiệu quả này nhà trường duy trì chương trình TV1-CNGD trong 9 năm học qua và cũng từ đó đến nay chưa thấy phụ huynh nào phản ánh về phương pháp dạy học mới này.
Học sinh lớp 1, Trường tiểu học Đắk Nhau học chương trình TV1-CNGD
Chương trình TV1-CNGD được thực hiện từ năm học 2008-2009 tại 7 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Tây Ninh, An Giang và Kiên Giang. Sau 2 năm thực hiện, các tỉnh đã khẳng định tính hiệu quả và có phương án nhân rộng. Năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT triển khai nhân rộng thêm 10 tỉnh, trong đó có Bình Phước. Và đến nay có 49 tỉnh, thành phố dạy chương trình TV1-CNGD. Trong đó, một số tỉnh dạy đại trà, một số tỉnh tùy theo trường, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện gần như 100%.
Năm học 2018-2019, Bình Phước có 3 huyện/14 trường/67 lớp/1.842 học sinh tham gia. Cụ thể, Bù Đăng 5 trường/21 lớp/651 học sinh; Bù Đốp 5 trường/23 lớp/660 học sinh; Lộc Ninh 4 trường/23 lớp/531 học sinh. Trước đó, năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thị xã/74 trường/235 lớp/5.331 học sinh tham gia chương trình. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện với nhiều lý do khác nhau nên một số trường chuyển sang học chương trình khác hoặc quay lại chương trình hiện hành, vì tham gia chương trình TV1-CNGD là hoàn toàn tự nguyện. Qua nhiều năm thực hiện, đến nay phương pháp, kỹ năng dạy học của giáo viên dạy TV1-CNGD trở nên vững chắc hơn. Vì vậy, chất lượng giáo dục môn TV1-CNGD cũng được nâng lên rõ rệt, tạo sự đồng thuận của phụ huynh. Những năm qua, phụ huynh có con em tham gia chương trình TV1-CNGD của tỉnh đã có nhiều phản ánh tích cực đối với chương trình này.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, học sinh dân tộc thiểu số không học chương trình TV1-CNGD có tỷ lệ yếu và chưa hoàn thành chương trình cao hơn so với học sinh học chương trình TV1-CNGD. Cụ thể, năm học 2010-2011, học sinh dân tộc thiểu số xếp loại yếu chiếm 21,88%, trong khi học sinh học chương trình TV1-CNGD chỉ chiếm 18,3%; năm học 2017-2018, học sinh dân tộc thiểu số chưa hoàn thành chương trình chiếm 7,5%, trong khi học sinh học chương trình TV1-CNGD chỉ 3,17%.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065