BP - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện trên phạm vi cả nước. Ngày 14-7-2018, tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình OCOP. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với bà con nông dân, nhất là những xã có làng nghề thủ công truyền thống. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Theo thống kê của 63 tỉnh, thành, cả nước có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm, với 413 làng, bản văn hóa gắn liền với du lịch. “Mỗi xã một sản phẩm” nhưng không phải là những sản phẩm khác nhau mà có thể sản xuất cùng một loại sản phẩm. Tên gọi chỉ là tương đối, quan trọng nhất là các sản phẩm được chuẩn hóa quy trình sản xuất, đề cao giá trị truyền thống. OCOP tập trung vào các sản phẩm nhỏ, ở các địa bàn xã khó khăn, vùng sâu, xa, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người dân, chứ không phải là sản phẩm cấp tỉnh hay quốc gia. OCOP chuẩn hóa các sản phẩm của mỗi xã trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Điều quan trọng cần phải đạt được đó là, khi các sản phẩm của mỗi xã được bán ra từ chương trình OCOP thì đều là những sản phẩm rất đáng tự hào, đại diện văn hóa cho làng xã. Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng sản phẩm OCOP là vấn đề rất quan trọng, quyết định sự thành bại của sản phẩm. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm thực hiện, tránh xảy ra tình trạng sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí là hàng nhái dán nhãn OCOP.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay tới năm 2020, chương trình sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8 đến 10 mô hình làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP. Đến hết tháng 4-2018, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành triển khai xây dựng khung chương trình OCOP cấp tỉnh; trong đó có 30 tỉnh đã lập xong đề án, 28 tỉnh đang lập và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để phê duyệt đề án riêng của tỉnh.
Đối với tỉnh Bình Phước, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ tạo thêm cơ hội để các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống. Tiêu biểu trong các sản phẩm ở Bình Phước là thổ cẩm, rượu cần... của đồng bào S’tiêng, gắn với làng văn hóa dân tộc thiểu số ở Bù Đăng. Ngoài ra còn có các sản phẩm được chế biến từ trái và hạt điều như rượu điều, hạt điều rang muối; các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ... Cùng với đó, chương trình OCOP gắn với 2 mục tiêu cốt lõi là xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung quy mô hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP sẽ phát huy được tính sáng tạo của cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065