BP - Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh đã mang lại kết quả rõ nét, thiết thực và hiệu quả. Qua đó, tăng cường thu hút đầu tư; thúc đẩy phát triển thương mại, xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống. Đồng thời quảng bá hình ảnh của Bình Phước đến với nhân dân thành phố và các địa phương trong cả nước.
CHỦ ĐỘNG ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
Thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2020, từ tháng 2-2014 đến nay, tỉnh đã thu hút được 25 dự án của các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư với số vốn đăng ký 2.649 tỷ đồng; lũy kế đến nay là 79 dự án với số vốn đăng ký 12.317 tỷ đồng. Ngành nghề đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như: Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư; trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản; xử lý rác thải; sản xuất phân bón, các sản phẩm cơ khí, luyện kim; thủy điện...
Lãnh đạo ngành chức năng tỉnh Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp tại hội thảo kết nối giao thương do 2 địa phương phối hợp tổ chức năm 2015
Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn và các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 39 đợt đưa hàng Việt về nông thôn Bình Phước, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận những mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá vào cuối năm và dịp tết Nguyên đán. Hằng năm, sở công thương và trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại hai địa phương thường xuyên cung cấp thông tin các khóa huấn luyện, đào tạo, chương trình hội thảo, hội nghị và thông tin về thị trường, ngành hàng xuất khẩu, môi trường đầu tư; hỗ trợ, vận động doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện có 82-85% hàng hóa tiêu thụ ở Bình Phước được cung cấp bởi các doanh nghiệp, nhà phân phối của thành phố và ngược lại từ 20-22% sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa sản xuất tại Bình Phước cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của thành phố với các mặt hàng chủ yếu như cao su, hạt điều, hạt tiêu, tinh bột mì, gỗ nguyên liệu...
Bên cạnh lĩnh vực thương mại và xúc tiến đầu tư, chi cục chăn nuôi - thú y hai địa phương thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Qua đó phối hợp, gắn kết trong kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thực phẩm cho người tiêu dùng. Xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long và Công ty cổ phần Hùng Nhơn để cung cấp thực phẩm sạch tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Hai bên phối hợp giám sát nguồn rau sản xuất ở Bình Phước tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh; kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của thành phố về tiêu thụ tại Bình Phước; đồng thời cung cấp thông tin địa chỉ các cơ sở sản xuất rau, củ, quả và cây ăn trái an toàn được cấp chứng nhận sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ cũng được tỉnh Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh chủ động triển khai bằng những việc làm cụ thể. Đó là, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ Bình Phước đào tạo 12 bác sĩ đa khoa và đang đào tạo 8 bác sĩ, sẽ ra trường năm 2019. Các cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố tiếp tục đào tạo thực hành y khoa cho các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh; tiếp nhận và điều trị bệnh nhân do các cơ sở khám chữa bệnh ở Bình Phước vượt khả năng chuyên môn chuyển tới; chỉ đạo tuyến, hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám chữa bệnh của Bình Phước. Hiện Bệnh viện đa khoa tỉnh đang là đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trung tâm Thể dục thể thao thành phố hỗ trợ Bình Phước huấn luyện 12 vận động viên môn cử tạ, 2 vận động viên môn võ cổ truyền và 2 cầu thủ thi đấu bóng đá tại giải hạng nhất quốc gia, mùa giải 2016. Ngành lao động - thương binh và xã hội hai địa phương thường xuyên trao đổi thông tin trong công tác tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý học viên tại trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội. Trực tiếp gặp gỡ tại các hội nghị do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức để trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong chuyển đổi mô hình cai nghiện ma túy tại các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội và quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đã ký kết hợp tác toàn diện với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước từ ngày 1-1-2016. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đã tiếp sóng 17 chương trình của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, tương ứng hơn 4 giờ/ngày. Nhờ vậy, một số chương trình của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố vươn xa hơn, đến được với bà con vùng biên giới. Các chuyên gia, nhà khoa học của thành phố còn hỗ trợ, giúp đỡ tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thực hiện và tham gia phản biện 14 đề tài khoa học có ý nghĩa để ứng dụng thực tiễn ở Bình Phước.
SẼ TẠO ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ
Hiện hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Phước còn nhiều hạn chế nên tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư. Một số dự án lớn trong chương trình ký kết hợp tác giữa hai địa phương chưa được triển khai, như: Dự án chăn nuôi đại gia súc với quy mô 1.000 ha, dự án trồng cây cà tím Nhật Bản theo mô hình công nghệ cao...
Trên cơ sở các nội dung hợp tác đã ký kết giai đoạn 2014-2020, thời gian tới hai địa phương sẽ phối hợp thực hiện các nội dung về quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch kết nối hạ tầng giao thông; thống nhất cùng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cho phép triển khai thực hiện một số dự án kết nối giao thông quan trọng như: tuyến đường sắt Dĩ An đi Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, đường cao tốc thành phố đi Chơn Thành, Lộc Ninh theo hình thức BOT; phối hợp thông báo, thông tin, xử lý và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của hai địa phương, nhất là các trung tâm giáo dục, chữa bệnh của thành phố đóng trên địa bàn Bình Phước; kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, phối hợp chỉ đạo tốt các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại mỗi địa phương nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về đầu tư; các chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; các dự án trọng điểm thu hút đầu tư của hai địa phương.
TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp Bình Phước đào tạo nguồn nhân lực; quan trắc và quản lý môi trường thượng nguồn các sông Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé và sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phối hợp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng mới một trường THPT theo hướng đạt chuẩn quốc gia tại huyện Bù Gia Mập; xây dựng nhà tình thương cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và kết nghĩa một số đồn biên phòng dọc tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập. Ngược lại, Bình Phước cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư tại tỉnh, nhất là các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, thương mại - dịch vụ, hạ tầng cơ sở du lịch...
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065